Tỉnh Thanh Hóa Bắc giáp Ninh Bình với dãy núi đá Tam Điệp, Tây giáp núi Pu Luông đầu dãy Trường Sơn, Nam giáp Nghệ An với dãy núi Quỳnh Lưu, phía Đông giáp biển Đông. Với đầy đủ các địa hình Thanh Hóa được gọi là Việt Nam thu nhỏ.
Diện tích 11.168km2, dân số 3.467.609 người (1/4/1999), thủ phủ là thành phố Thanh Hóa. Thanh Hóa là tỉnh có dân số đứng hàng thứ hai sau TP. HCM. Hiện nay Thanh Hóa có hai thị xã: Sầm Sơn và Bỉm Sơn, và 24 huyện, là một trong những tỉnh thành có đơn vị hành chính nhiều nhất cả nước. Khí hậu Thanh Hóa thuộc vùng chuyển tiếp giữa Bắc Bộ và Trung Bộ. Nhiệt độ trung bình 23-24oC. Nằm ở độ cao không lớn, lại nằm kế biển nên mùa đông không lạnh lắm, mùa hè dịu mát hơn, giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy đều thuận lợi.
Thanh Hóa là tỉnh có tiềm năng rất lớn. Những thắng cảnh đặc sắc như bãi biển Sầm Sơn, động Hồ Công, núi Hàm Rồng… Thanh Hóa có nhiều di tích gắn với lịch sử của dân tộc như Lam Kinh, thành nhà Hồ. Đến thăm các di tích này, du khách sẽ hiểu được một giai đoạn hào hùng đầy biến động của dân tộc.
Thanh Hóa là một trong những địa bàn cư trú của người Việt cổ, nơi có nền Văn hóa Đông Sơn rực rỡ với trống đồng Đông Sơn là di vật độc đáo của nền văn hóa này. Nhiều hang động đá vôi là những nơi cư trú của những nhóm người cổ từ hàng ngàn năm trước. Thanh Hóa có truyền thống văn hóa lâu đời được gọi là đất “địa linh nhân kiệt” đã cung cấp cho đất nước biết bao danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, nơi phát tích của các triều Tiền Lê, Hậu Lê, nhà Hồ, chúa Trịnh, chúa Nguyễn mà dấu ấn còn ghi lại ở các vùng quê với các đền đài, miếu mộ, lăng tẩm. Hiếm có vùng đất nào lại sinh ra tới “ba dòng vua”, “hai dòng chúa” như ở đất Thanh.
Thanh Hóa là nơi có nhiều dân tộc ít người cư trú. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng. Hò sông Mã là một là điệu dân ca đặc trưng nhất của đất Thanh.
Thanh Hóa cũng là nơi có truyền thống đấu tranh trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc. Lịch sử còn ghi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bằng một chương sáng chói. Những người đi ở, chăn bò, nấu muối, bán dầu đã theo Lê Thái Tổ khởi nghĩa đánh thắng quân Minh. Khi giặc Pháp tràn vào nước ta, năm 1883, dân Thanh Hóa ngăn không cho đặt công sứ. Phạm Bành và Đinh Công Tráng khởi nghĩa. Tống Duy Tân xây dựng căn cứ ở phía Tây tỉnh. Oanh liệt nhất là trận Ba Đình năm 1887. Đinh Công Tráng chỉ huy đắp thành Ba Đình, giữ vững trong mấy tháng. Sau vì xác giặc quanh thành thối quá, phải rút lên Mả Cao, rồi phân tán thành những nhóm nhỏ. Rồi Tống Duy Tân xây dựng các căn cứ ở Vân Động và Hồng Lĩnh, đặt mỗi huyện 200 hương binh, đánh Vạn Lại diệt nhiều giặc; năm 1890 đánh Nông Cống. Lúc ấy đã khuyên “đoàn kết lương giáo” đánh Tây. Sau rút về Thọ Xuân, Pháp đến vây, bị thua nhiều trận. Năm 1893, tên Cao Ngọc Lễ phản bội, Tống Duy Tân bị bắt và bị chém đầu.
Năm 1941, phong trào cách mạng phát triển, giặc Pháp khủng bố, quần chúng Thanh Hóa chống lại có tính chất vũ trang. 19/8/1945, cách mạng thắng lợi.
Thành phố Thanh Hóa
Các đời trước đóng ở Yên Trường, rồi Dương Xá năm 1804. Năm 1829, Nhà Nguyễn cho xây thành với chu vi 2.520m. Từ đó Thanh Hóa thành một tỉnh lị lớn có nhiều nhà máy công nghiệp, lò chum, xưởng đá, xưởng đóng thuyền, một điểm dừng chân sầm uất trên đường từ Hà Nội về kinh đô Huế. Ngày 20/10/1898, vua Thành Thái ra sắc dụ thành lập thị xã Thanh Hóa. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ chúng san bằng thị xã cổ kính Thanh Hóa rất nhiều lần vì đây là điểm trung chuyển hàng hóa chi viện cho miền Nam. Năm 1976, ta bắt tay xây dựng lại thị xã Thanh Hóa. Năm 1995 Thanh Hóa được nâng lên Thành phố. Thành phố ngày nay thay da đổi thịt với cơ sở hạ tầng phát triển, bộ mặt thành phố ngăn nắp và đàng hoàng hơn.
Biển Sầm Sơn
Từ thành phố Thanh Hóa rẽ hướng Đông Tỉnh lộ 8, du khách đi khoảng 16km thì sẽ tới thị xã Sầm Sơn. Nơi đây từ lâu ai cũng biết có một bãi tắm lý tưởng. Đầu thế kỷ, một học giả người Pháp là Le Breton đã có nhận xét về bãi tắm Sầm Sơn: “Đây là một bãi tắm tốt nhất để phục hồi sức khỏe”, vì bãi biển này là một nơi nghỉ ngơi chứ không phải như bãi biển thông thường ở Đồ Sơn, vả lại nước biển ở đây rất trong. Điều đáng chú ý là bãi tắm Sầm Sơn có một dải cát trắng mịn, chạy thoai thoải ra khơi, không hề có đá ngầm hoặc các mảnh vỏ sò, ốc, sóng bạc đầu vỗ vừa phải, nên người tắm có thể ra xa bờ hàng trăm mét mà vẫn thấy an toàn, thú vị. Song cũng do đặc điểm này của bãi tắm nên một số người cứ mải miết bơi ra quá xa đến khi muốn trở lại vào bờ thì đã mệt, lại bị sóng ngầm cuốn trở ra và sói cát dưới đáy thành những lạch sâu không lường trước được nên dễ xảy ra tai nạn. Vì thế số người mê tín đã cho rằng thần biển ở đây rất dữ, hàng năm thế nào cũng phải hiến thần một sinh mạng. Bãi tắm Sầm Sơn chạy dài hàng chục cây số, từ chân núi Trường Lệ đến xã Quảng Tiến phía Bắc gồm ba bãi tắm.
Sầm Sơn là nơi có một loại phương tiện đi biển đặc biệt. Đó là những chiếc mảng làm bằng luồng, một giống cây chỉ thấy có nhiều ở miền núi xứ Thanh. Mảng luồng thường nhẹ, bão sóng dữ dội đến mấy cũng không chìm, chịu được độ mặn của nước biển khá tốt. Năm 1994, một số nhà thám hiểm và nghiên cứu đại dương phương Tây do ông Tim Severin chỉ đạo đã đóng và hạ thủy tại bãi biển Sầm Sơn một chiếc thuyền vượt đại dương làm bằng hàng trăm cây luồng Thanh Hóa. Chiếc thuyền được buộc bằng các sợi song, mây và hoàn toàn không có kim loại.
Sầm Sơn còn có đặc sản biển phong phú và chất lượng hơn nhiều địa phương khác. Khách có thể thưởng thức đủ loại mực ống, tôm he, cua gạch, các giống cá ngon như: chim, thu, nụ, đé… Hải sản nơi đây có đặc điểm là thịt chắc, dai, ngọt, rất đậm đà.
Đặc biệt là món “gỏi cá” và “lẩu rắn biển” đang được du khách ưa thích. Muốn làm món “gỏi cá” người ta phải chọn một số loại cá vừa đánh bắt được còn tươi nguyên rồi chế biến cá sống từ ngoài khơi. Sau đó mới đưa về nhà làm thêm các thứ gia vị như nước chấm có pha thêm rượu gọi là “nước chẻo”, chanh, ớt, rau thơm rồi ăn với bánh đa nướng. Còn món đặc sản rắn thì người ta bắt những con rắn biển nuôi sẵn trong thùng thủy tinh, treo ngược đầu lên, cắt tiết lột da. Tiết rắn và tim, gan bỏ riêng vào ly. Xương rắn băm viên chiên, còn thịt, da, trứng thì nấu lẩu. Trước khi thưởng thức người ta cho rượu ngon vào cốc đựng tiết rắn, dùng thân cây sả thay thìa quậy cho thật tan đều rồi nhắm với món lẩu và viên. Theo những khách ăn quen thì rượu tiết rắn biển chữa được bệnh đau sống lưng, còn món thịt rắn thì ngon và bổ.
Đền Độc Cước
Về phía Đông Nam thị xã Sầm Sơn có một dãy núi đá chạy dài, hình thù giống một phụ nữ nằm ngửa với bộ ngực nở nang. Đó là dãy núi Trường Lệ. Một chân của dãy núi này kéo sát đến tận bãi biển có thành đá dốc đứng. Phía trên là đền Thượng hay đền Độc Cước. Theo truyền thuyết đền này có từ thế kỷ XIII dưới thời Trần, cũng có truyền thuyết cho rằng đền được dựng trước nữa, sớm hơn nhiều.
Trong cuốn thắng cảnh Quảng Xương của Nguyễn Đức Thuận, người huyện Hoằng Hóa đỗ cử nhân khoa Mậu Thân (1848) triều Tự Đức soạn thì sự tích đền này như sau: Tục truyền đời xửa đời xưa một năm vào ngày mồng 7 tháng giêng, làng Trường Lệ bị một cơn mưa to gió lớn đến mức nước ngoài biển dâng lên ngang lưng núi, cây cối đổ nghiêng ngã. Sáng hôm sau dân làng trèo lên đỉnh núi thì thấy dấu bàn chân lớn in trên tảng đá, dài hơn một thước. Đến ngày 17/3 năm ấy bỗng có một bè gỗ lim trôi dạt vào chân núi. Dân làng cho đó là điềm trời bèn dùng số gỗ đó dựng đền thờ ở chỗ có vết chân đền Thượng thờ thần Độc Cước. Lưng chừng núi là đền Trung thờ vị quan dưới thời Lý là Tô Hiến Thành. Dưới chân núi là đền Hạ thờ vị thần thời Trần là Hoàng Minh Tự.
Về thần Độc Cước cũng có nhiều sự tích khác nhau. Có tích nói thần là con một người đàn bà bị chết đuối mà dãy núi Trường Lệ là hình người đàn bà này. Thần được dân làng cưu mang, nuôi nấng trở thành chàng trai khổng lồ. Thuở đó ở vùng biển này có lũ thủy quái thường làm hại dân chài. Nhưng từ khi có chàng đi đánh cá cùng thì lũ thủy quái bị chàng trừng trị. Chúng bèn âm mưu chờ chàng đi vắng kéo về làng làm hại những người ở nhà. Từ đó hễ chàng ở nhà thì chúng sát hại người đi biển, hễ chàng đi biển thì chúng sát hại những người ở nhà. Chàng bèn quyết định đối phó bằng cách xẻ thân mình làm đôi. Nửa thân với một chân ở ngoài biển, còn nửa thân và một chân đứng ở đất liền. Từ đó bọn thủy quái đành chịu không dám quấy nhiễu dân làng này nữa. Chàng trai được nhân dân làm đền thờ và tôn làm thành hoàng. Cái tên thần Độc Cước, tức thần “Một Chân” bắt nguồn từ tích này.
Còn cuốn Thanh Hoa Chư Thần Lục đời vua Thành Thái thì thần Độc Cước lại là họ Cao, tên Sơn Tự đỗ tiến sĩ đời nhà Tấn (265 – 317) nhiều năm vâng lệnh vua đi đánh giặc có công được phong làm Phó Quốc Vương. Khi mất hiển linh nên dân sở tại lập đền để thờ và các đời vua sau đều phong sắc.
Đền đã qua nhiều năm trùng tu. Năm trùng tu xưa nhất ở thượng lương gian tiền đường ghi niên hiệu Chính Hòa (1675 – 1705). Còn tiền đường mới hiện tại có niên đại Tân Mão (1891) với dòng chữ: ”Hoàng triều Thành Thái tam niệm tuế thứ Tân Mão hạ nguyệt trọng xuân lưu nhật quan thời tân tạo tiền đường thụ đại cát”. Tạm dịch: Đời vua Thành Thái thứ 3 năm Tân Mão mùa xuân tháng ba ngày tốt làm ngôi tiền đường. Qua hai cuộc kháng chiến từ 1945 đến 1975, bom đạn liên miên nhưng đền Độc Cước hầu như vẫn nguyên vẹn với những chiếc cột gỗ lim, gỗ chò và một số đồ thờ, bia, tượng có phong cách nghệ thuật của Việt Nam thế kỷ XVIII, XIX.
Núi Ngọc – Hàm Rồng
Hàm Rồng là một cảnh đẹp thiên nhiên trên đường từ Nam ra Bắc và cũng là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Núi Hàm Rồng ở bờ Nam sông Mã, cách Hà Nội gần 150km. Cầu Hàm Rồng vắt mình trên dòng sông Mã, hai đầu gối và lưng núi Rồng, núi Ngọc, dòng nước trong xanh luôn cuồn cuộn chảy. Về mùa lũ, dòng sông gầm thét, hùng vĩ lạ thường.
Khi thực dân Pháp thực hiện chương trình khai thác ở Việt Nam, đường Quốc lộ được nắn lại, Hàm Rồng được chọn làm chỗ xây cầu. Bọn thực dân Pháp làm chiếc cầu này phải mất 3 năm (1901 – 1904). Nhưng đó chỉ là một chiếc cầu treo, thế mà chúng khoe khoang đây là một kỳ quan thế giới.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Vào một ngày tháng 2/1947 người Hàm Rồng đã hạ cầu Hàm Rồng xuống sông Mã để ngăn chặn bước tiến của quân thù. Hòa bình lập lại, ngày 19/5/1964, một chiếc cầu theo kiểu mới to đẹp hơn, mang tên Cầu “19/5” lại nối liền hai bờ sông Mã. Trong thời chống Mỹ cứu nước, cầu Hàm Rồng được cả thế giới biết đến. Giặc Mỹ đã dùng 5.000 lượt máy bay hiện đại ném hơn 70.000 tấn bom phá và hàng trăm quả bom bi mẹ, bắn 500 quả tên lửa và nhiều đạn súng lớn từ ngoài khơi, thả thủy lôi và dùng nhiều cách để hạ cầu Hàm Rồng.
Có thể nói không ngoa rằng cầu Hàm Rồng là một “Tượng đài chiến thắng” của mặt trận giao thông vận tải trên con đường tình nghĩa của miền Bắc chi viện cho miền Nam trong những năm đánh Mỹ. Là nơi diễn ra nhiều trận chiến đấu ác liệt: chỉ trong hai ngày 1 và 3/4/1965, ta đã bắn rơi hàng chục máy bay Mỹ. Chiếc máy bay thứ 2.000 rơi trên miền Bắc do chính người Hàm Rồng bắn vào ngày 5/6/1967. Hàm Rồng là nơi xuất hiện 5 đơn vị anh hùng như Nhà máy điện, Phân đội 3 Công an nhân dân vũ trang, Đội cầu 19/5, Đại đội dân quân tiểu khu Nam Ngạn và Đơn vị C4 pháo cao xạ. Cũng nơi đây đã tuyên dương 3 anh hùng: Ngô Thị Tuyền, Đỗ Chanh, Lê Kim Hồng và bao gương chiến đấu dũng cảm hy sinh khác.
Sau khi miền Bắc ngưng tiếng bom Mỹ, chỉ sau 69 ngày đêm thi công, cầu Hàm Rồng vững chãi to đẹp lại nối liền hai bờ sông Mã. Và đúng 17h25’ ngày 19/5/1972, đoàn xe lửa lại kéo còi.
Sông Mã - Cầu sông Mã: Hoàng Long
Có diện tích toàn lưu vực là 28.400km2, dòng chính có chiều dài 512km nhưng một phần của trung lưu lại nằm trên đất Lào với một đoạn dòng chảy là 102km, chiếm gần 20% dòng sông với diện tích lưu vực 10.800km2 chiếm 38% tổng diện tích. Sông Mã có hai nguồn, một từ vùng núi Tuần Giáo xuống, một từ sườn Bắc Pu Sam Sao đổ về, dòng chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam qua Sầm Nưa (Lào) rồi vào Thanh Hóa và đổ ra biển ở 3 cửa là: Cửa Lèn, Cửa Lạch Trường, Cửa Lạch Trào. Mùa lũ kéo dài 5 tháng từ tháng 6 - 10.
Cầu sông Mã là một trong những cây cầu đẹp trên tuyến Quốc lộ 1A. Ngày 2/7/2000 cầu được khánh thành và được Thủ tướng Phan Văn Khải cắt băng khánh thành và đặt tên là Hoàng Long có nghĩa là Rồng Vàng.
Cầu sông Mã gồm đường dẫn dài 3,5km, cầu Hàm Rồng vượt đường sắt dài 413m, rộng 12,5m và cầu vượt sông Mã dài 380,68m, rộng 12,5m. Cầu được khởi công từ tháng 7/1997, kinh phí 124 tỉ đồng. Đây là một công trình có nhịp thông thuyền lớn nhất Việt Nam hiện nay: 130m, so với cầu sông Gianh là 120m.
Dấu tích Lam Sơn
Dẫu đi trăm núi ngàn rừng
Hồn Lam Sơn vẫn thấu từng câu ca.
(Ca dao)
Lam Sơn, mảnh đất ghi lại chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc ta ở thế kỷ 15, đến nay vẫn còn soi rọi ánh sáng rực rỡ cho bước đường của nhân dân Thanh Hoá nói riêng và đất nước nói chung. Lam Sơn là nơi Lê Lợi dấy quân đánh giặc Minh, giành độc lập.
Lam Sơn (nay thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá) là khu di tích lịch sử – văn hoá quê hương anh hùng dân tộc Lê Lợi, mang những dấu tích và truyền thuyết về Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc vĩ đại, nhà văn hào kiệt xuất của dân tộc ta.
Ở triều Lê, Lam Sơn được chọn làm đất tôn miếu. Ở đây có bia ký, lăng mộ tưởng nhớ, điện miếu thờ các vua, hoàng hậu, con cháu nhà Lê có tước vương. Lam Sơn thời bấy giờ được coi là kinh đô thứ hai của đất nước (Lam Kinh), có nhiều công trình kiến trúc văn hoá như: điện Lam Kinh, Lăng mộ, đền các vua Lê Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông, Hiến Tông, Túc Tông… và Lăng mộ các Hoàng hậu: Ngô Thị Ngọc Dao, Nguyễn Thị Ngọc Huyên, khu lăng có những bia lớn cùng nhiều con vật bằng đá chạm khắc khá công phu.
Xưa kia ở Lam Sơn, có cung điện nguy nga đồ sộ. Lăng bia các vua và Hoàng Hậu nhà Lê đặt tại nhiều chỗ trên một địa bàn rất rộng tại các khu rừng cấm. Mấy trăm năm qua, khu di tích không được bảo vệ, bị thiên tai, hoả hoạn đổ nát hầu như hoàn toàn. Khung cảnh thiên nhiên cũng biến đổi nhiều. Nay chỉ còn dấu tích của tường thành, nền cung điện với nhiều viên gạch, đá tảng chân cột, có kích thước khá lớn, các bậc rồng lên xuống bị đổ vỡ, các lăng mộ bị sụt lở, các con vật bằng đá bị sứt mẻ, xê dịch, các bia đá trơ trọi ngoài mưa nắng, lối đi lại lầy lội rậm rạp.
Nhà nước ta đã cho sửa chữa một vài lần như đền Lê Lợi, làm nhà cho bia Vĩnh Lăng, phát quang mặt bằng, trồng cây và tăng cường bảo vệ. Nhân kỷ niệm lần thứ 600 năm sinh Nguyễn Trãi, khu di tích Lam Sơn được Bộ Văn Hoá Thông Tin, Tỉnh Ủy, UBND Tỉnh Thanh Hoá cho sửa lại, phục hồi khung cảnh thiên nhiên trong mức độ có thể được.
Đôi nét về Bình Định Vương Lê Lợi
Vua khai sáng nhà Lê, lãnh tụ khởi nghĩa chống quân Minh.
Tằng tổ của ông là Lê Hối, nội tổ là Lê Đinh, quê ở thôn Như Án, Lương Giang (nay là phủ Thiệu Hoá), Thanh Hoá, sau dời về ở vùng Lam Sơn. Ông là con út của Lê Khoáng và Trịnh Thị Ngọc Hương (anh lớn của ông tên Học, thứ là Trừ). Nối nghiệp nhà làm chúa trại Lam Sơn, gặp khi quân Minh xâm chiếm đất nước, ông nuôi chí lớn đánh đuổi xâm lăng. Quân nhà Minh nghe tiếng ông, dụ cho làm quan, ông không chịu khuất, thường nói:”Làm trai nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chớ sao lại chịu bo bo làm đầy tớ người?”. Ông dấu mình ở chốn sơn lâm lo kết nạp hào kiệt, chiêu tập quân sĩ đến cuối năm 1417 thì nên cao cờ nghĩa, xưng Bình Định Vương. Dưới cờ giải phóng do ông lãnh đạo lần hồi đông đủ mặt anh tài góp sức: Đinh Lễ, Đinh Liệt, Nguyễn Xí, Nguyễn Thân tức Lê Lai, Bùi Quốc Hưng, Trịnh Khả, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi…
Năm 1418, thắng trận đầu tại Lạc Thủy, khiến tướng Minh là Mã Kỳ khiếp đảm. Chúng điên cuồng tung quân bao vây nghĩa quân tại Chí Linh. Thế nguy, nhờ có Lê Lai đổi áo chịu chết thay ông, để ông lánh thân về Lư Sơn (ở phía Tây Châu Hoan, Hóa – Thanh Hóa)
Tháng 10/1420, ông dùng kế phục binh chiến thắng quân Lý Bân, Phương Chính tại Chi Lăng, rồi tiến đánh ở sách Ba Lẫm, thuộc Lỗi Giang, trong giai đoạn này thu dùng được Nguyễn Trãi làm tham mưu xuất sắc.
Năm 1421, phá quân Trần Trí và đánh đuổi được quân Lào tiếp tay với quân Minh. Năm 1424, chiến dịch Bồ Liệp, chém tướng giặc là Trần Trung, trận Trà Lân phá vỡ quân của Sư Hữu giết tướng Trương Bản. Năm 1426 đánh lấy được Nghệ An, tiến quân ra Đông Đô (Hà Nội). Trải các trận ở Ninh Kiều, Ứng Thiên, Ninh Giang, quân oai khắp nơi. Sau đó lại triệt hạ được viện binh của quân Minh từ Vân Nam kéo sang tại cầu Xa Luộc, rồi đánh bại luôn đại quân của Vương Thông nơi Cổ Lãm và Tụy Động. Năm 1427 đóng quân ở Bồ Đề uy hiếp thành Đông Quan, dồn toàn lực đánh một trận để đời tại Chi Lăng, chém chết Liễu Thăng tại gò Đảo Mả, bắt sống hai tướng Hoàng Phúc và Thôi Tụ tại Xương Giang, giết tướng Lương Minh, khiến Lý Khánh tự tử, đuổi được Mộc Thạnh trốn chạy về nước. Kết quả: Tổng tư lệnh quân Minh là Vương Thông phải viết thư cầu hòa, rồi cuối cùng đành ôm hận rút 86.000 quân Minh về nước.
Năm 1428, ông lên ngôi vua, tên thụy là Lê Thái Tổ, đặt hiệu nước là Đại Việt, hiệu năm là Thuận Thiên, đóng đô ở Đông Kinh (Hà Nội).
Công cuộc đuổi giặc giữ nước của ông được toàn dân ghi ơn. Nhưng sau đó ông nỡ lòng giết hại các công thần như Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn… hầu hết các nhà chép sử đều chê trách.
Năm 1433, ngày 22/8 âm lịch, ông mất, hưởng dương 48 tuổi, ở ngôi 6 năm. Chôn tại Vĩnh Lăng (Lam Sơn)
Lê Lợi chẳng những có tài lãnh đạo kháng chiến, mà còn có tài văn chương. Khi đã lên ngôi, khoảng tháng 5/1432, sau khi đi đánh Đèo Cáp Hãn về, qua đê Long Thủy tức đê sông Hắc Giang, ông có làm một bài thơ:
“Khi khu hiểm lộ bất từ nan Bản dịch
Lão ngã do tồn thiết thạch can
Nghĩa khí tảo không thiên chướng vụ
Tráng tâm di tận vạn trùng san.
Biên phòng vị hảo trù phương lược
Xã tắc ưng tu kế cửu an
Hư đạo nguy nan tam bách khúc
Như kim chỉ tác thuận lưu khang”
“Gập ghềnh nào nại núi cùng non
Già lão nhưng gan sắt đó còn
Nghĩa khí quét tan mù mấy lớp
Lòng ngay san phẳng núi núi muôn hòn
Biên phòng nền khéo tìm phương lược
Xã tắc càng thêm giữ vững yên
Đừng nói quanh co đường hiểm trở
Từ nay nước chảy một dòng liền”
Khi đã dựng xong nền đại định, bài hịch Bình Ngô Đại Cáo truyền khắp xa gần (do Lê Thái Tổ truyền lệnh cho Nguyễn Trãi soạn thảo) muôn đời sau lưu nghiệp vẻ vang cùng sông nước.
Lê Lai
Danh tướng, có sách chép là Nguyễn Thân, sau theo phò Lê Lợi, đổi tên là Lê Lai. Quê thôn Dang Ta, Thụy Nguyên, Thanh Hóa. Thân phụ ông tên Kiều, làm phụ đạo đất Lam Sơn, sinh hai trai, trưởng tên Lạn, thứ là ông.
Ông theo dưới cờ Bình Định Vương Lê Lợi, dũng liệt kháng Minh cứu quốc. Năm 1416 tại Lũng Nhai, ông cùng Bình Định Vương và 17 tướng lĩnh tâm phúc thề sống chết có nhau, được Lê Lợi trao chức Đô tổng quản, tước Quan Nội Hầu.
Năm 1418, khoảng cuối năm, bị quân Minh vây ngặt ở vùng Chí Linh, Bình Định Vương hỏi các tướng:
-Ai dám giả dạng ta cầm quân chống nhau với giặc, noi gương Kỷ Tín ngày xưa chết thay cho Hán Cao Tổ? Để ta náu dấu nghi binh góp nhặt tướng sĩ mà lo nổi dậy phục quốc về sau.
Lê Lai tình nguyện xin đi. Bình Định Vương cảm khái, khấn với trời đất: “Lê Lai vì đại nghĩa xả thân, tôi thề ngày sau chẳng quên ơn ấy, nếu nuốt lời thề thì cung điện thành rừng núi, ấn báu thành đồng, gươm thần thành đao”
Lê Lai bèn ăn mặc giả nhà vua, đem 500 quân, hai thớt voi, thẳng tới trại giặc khiêu chiến. Quân Minh vây đánh, ông chiến đấu đến lúc kiệt sức, để ho giặc bắt và chịu cho chúng giết.
Nhớ công ơn Lê Lai, vua Lê đã cho tìm thây ông từ trước, chôn ở Lam Sơn, khi lên ngôi truy tặng ông Là Đệ nhất Công thần. Năm 1429 truy phong là Thái Úy. Đến đời Nhân Tông, năm 1443, truy tặng là Bình Chương quân quốc trọng sự, cho Kim ngũ đại kim phù, tước là Huyện Thượng Hầu. Đời Thánh Tông lại tặng là Thái Phó, tước Diên Phúc Hầu, truy phong là Trung Túc Vương.
Lê Lai có 3 người con là Lư, Lộ và Lâm đều có tiếng trong lịch sử. Đến nhà Nguyễn, Gia Long liệt ông vào hàng Khai quốc công thần đệ nhất triều Lê, cho tìm con cháu ông coi giữ đền thờ.
Bình Định Vương thường nói: “Sau này ta mất đi, khi đến lễ giỗ ta, thì một ngày trước đó phải cúng tế Lê Lai”. Ca dao ta còn truyền tụng: “Hăm mốt Lê Lai hăm hai Lê Lợi”
Hồ Quý Ly
Hoàng đế, người khai sáng nhà Hồ, có quyền mưu, cơ trí, một chính trị gia lão luyện, đa tài đời Trần. Ông tự là Li Nguyên, vốn dòng dõi Hồ Hưng Dật, ngụ làng Bào Đột, Quỳnh Lưu. Sau ông tổ bốn đời là Hồ Liêm dời ra ở làng Đại Lại, Thanh Hóa, làm con nuôi nhà Lê Huấn, mới đổi họ Lê.
Hồ Quý Ly có hai người cô đều là vợ vua Trần Minh Tông, một người sinh ra Nghệ Tông, một người sinh ra Duệ Tông. Vì thế đến đời Trần Nghệ Tông, ông được tin dùng làm Khu mật đại sứ (1371), rồi làm Tiểu tư không (1377), thăng dần đến Thống Chế Đô Hải Tây, tước Trung Tuyên Hầu (1380). Nhà vua lại gả Huy Ninh công chúa cho ông. Năm 1387, thăng Đồng Bình Chương Sự, Nghệ Tông cho ông gươm và cờ đề chữ “Văn võ toàn tài quân thần đồng đức”.
Bấy giờ các đại thần và sĩ phu đã có lắm người lo ngại sự chuyên quyền của ông. Từ đó Trần Nguyên Đán có ý khuyên can Thượng hoàng Nghệ Tông về việc giao cho Quý Ly phụ chính Trần Thuận Tông:
“Nhân ngôn kí tử dữ lão nha,
Bất thức lão nha liên ái phủ?”
(Gửi con cho bác quạ già
Biết rằng quạ có thương mà hay không?)
Xử sĩ Bùi Mộng Hoa cũng dâng thư có câu: “Thần nghe trẻ con hát rằng: Thâm tai Lê sư! (Thâm độc thay! Thái sư họ Lê (tức Hồ Quý Ly)) tất nhiên Quý Ly có dị chí”. Thượng hoàng Nghệ Tông lại đem lời ấy bảo cho Quý Ly biết, khiến Bùi Mộng Hoa bối rối, phải bỏ đi lánh nạn.
Tuy nhiên, Thượng hoàng Nghệ Tông cũng ngờ Quý Ly, bèn khiến họa sĩ vẽ tượng Châu Công, Hoắc Quang, Gia Cát Tường và Tô Hiến Thành gọi là bức “Tứ phụ đồ” (Tượng bốn vị hiền thần giúp vua) trao Quý Ly và ban dụ: “Nếu vua (Thuận Tông) có thể giúp được thì giúp, nếu hèn kém quá thì khanh cứ đảm nhận lấy”. Ông thề: “Nào dám có mưu đồ khác, nếu có thì trời không chứng”.
Thượng hoàng Nghệ Tông lại còn nằm mộng thấy Trần Duệ Tông hiện về đọc bài thơ:
“Trung gian duy hữu xích chủy hầu
Ân cần tiềm thượng bạch kê lâu
Khẩu vương dị định hưng vong sự
Bất tại tiền đầu tại hậu đầu”
Bài thơ có ẩn nghĩa: Thượng hoàng sinh năm Tân Dậu (Bạch kê – Gà ác), Quý Ly là mỏ đỏ (xích chủy); “khẩu vương” ghép lại là chữ “quốc” hưng vong sau này sẽ thấy. Do đó Nghệ Tông càng nghi ngờ ông hơn và cũng do bài thơ ấy, ông còn được đời gọi mỉa là “xích chủy hầu” (vị hầu tước nỏ đỏ).
Ngày 15/3/1398, ông bắt buộc Trần Thuận Tông phải nhường ngôi cho thái tử Án mới lên 3 tuổi, ấy là Trần Thiếu Đế, ông tự xưng là Khâm Đức Hưng liệt đại vương. Rồi sai người giết Thuận Tông đi.
Triều thần có những người như Thái Bảo Trần Nguyên Hãn, Thượng Tướng quân Trần Khắc Chân lập hội kín để mưu trừ ông, chẳng may sự lộ ra, ông bắt giết hơn 370 người. Ông lại xưng là Quốc tổ Chương hoàng, ở cung Nhà Thọ, ra vào dùng nghi vệ thiên tư (nhưng hãy còn xưng là “dư”, chưa trắng trợn xưng là “trẫm”).
Cho đến tháng 2/1400, ông truất phế Thiếu Đế, lên ngôi vua, đổi lại họ Hồ như cũ. Nguyên họ Hồ là dòng dõi nhà Ngu bên Trung Hoa, nên ông đặt hiệu nước là Đại Ngu. Chưa được một năm ông bắt chước nhà Trần, nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương mà làm Thái Thượng Hoàng.
Về văn hóa, ông quyết định dùng chữ Nôm để chấn hưng quốc học cho dịch các kinh, thư, thi. Chính ông đã biên tập thiên “Vô Dật” để dạy cho con cái các nhà quan và soạn 14 thiên Minh Đạo dâng lên Trần Nghệ Tông khi trước. Và ông nêu ra 4 chỗ ngờ trong sách Luận ngữ: “Yết kiến nàng Nam tử, khi ở nước Trần bị tuyệt lương, Công Sơn Phất Mạt mời, Khổng Tử muốn đến, ấy là đáng chê”. Ông lại đề xướng: “Để Châu Công làm tiên thánh, ngồi hướng mặt phía Nam; Khổng Tử làm tiên sư, ngồi hướng mặt phía Bắc”. Các Nho gia như Hàn Dũ, Châu Hi, Trình Hao… ông đều cho là học bác tạp mà tài hèn, chỉ chăm trộm cắp ý nghĩa cổ nhân (chống đối lại các lý thuyết của ông, có vị trưởng giáo trường Quốc tử là Đoàn Xuân Lội mạnh dạn đả kích hơn cả).
Về mặt xã hội, ông thiết lập Sở “Quản Tế” (tức như y tế ngày nay) trao quyền giám đốc cho Nguyễn Đại Năng trông nom. Ở các lộ đều có lập ra một kho lúa gọi là “Thưởng Bình”, lấy tiền công mua lúa trữ vào, phòng những năm mất mùa đem ra bán rẻ cho dân chúng.
Ông thực thi chính sách phân phối ruộng đất, phàm trong nước chỉ chừa hàng đại vương và trưởng công chúa, không người nào được có quá 10 mẫu ruộng. Bao nhiêu số thừa phải nộp lại cho Nhà nước, hoặc ai có tội hay bị giáng truất thì cho đem ruộng chuộc tội.
Lại hạn chế cả sự nuôi người làm tôi tớ. Phàm nhà quyền quý phải tùy thứ bậc mà nuôi tôi tớ nhiều hay ít, không được quá số đã định.
Cũng chính ông là người đầu tiên đề xướng việc phát hành bạc giấy. Tiền giấy lúc ấy gồm có:
Giấy 10 đồng: vẽ hình rêu bể.
Giấy 30 đồng: vẽ hình sóng nước.
Giấy 1 tiền (60 đồng): hình đám mây.
Giấy 2 tiền: vẽ hình con rùa.
Giấy 3 tiền: vẽ hình con lân.
Giấy 5 tiền: vẽ hình con phượng.
Giấy 1 quan: vẽ hình con rồng.
Về võ bị, bề ngoài ông vẫn lấy lễ mà đối đãi với nhà Minh nhưng vẫn biết chúng có ý xâm lăng, nên ông ráo riết tổ chức quân đội. Binh lực quốc gia gồm 20 vệ, mỗi vệ có 18 đội, mỗi đội 18 người. Đại quân thì có 30 đội, trung quân có 20 đội, một doanh có 15 đội, một đoàn có 10 đội.
Quân Minh từng gây rối, kiếm chuyện để can thiệp vào nội bộ nước ta. Ông và hai con là Nguyên Trừng và Hán Thương vẫn phải khó nhọc chống đối. Cho đến năm 1406 quân Minh sang xâm lược. Các tướng Minh là Châu Năng, Trường Phụ, Mộc Thạnh, Li Bản, Trần Húc rầm rộ kéo quân sang. Cha con cương quyết cùng nhân dân trong nước kháng cự.
Mất thành Đa Bang, thua trận Mộc Phàm Giang, thất luôn trận Hàm Tử Quan, cha con ông đưa các liêu thuộc chạy ra bể, rồi về Thanh Hóa. Quân Minh đuổi đánh tại sông Mã. Thế bức, tùy tướng Ngụy Thức bảo ông: “Nước đã mất, làm vua không nên để cho người ta bắt được, xin bệ hạ tự thiêu đi còn hơn”. Ông giận, giết Ngụy Thức rồi chạy vào Nghệ An.
Trương Phụ, Mộc Thạnh dẫn lục quân đuổi theo; Liễu Thăng chỉ huy thủy binh chặn mặt thủy. Năm 1407, ngày 12/5, ông vào đến cửa bể Kỳ La (thuộc Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị giặc bắt, còn Hán Thương và những con cháu họ Hồ cũng đều bị bắt ở núi Cao Vọng. Chúng giải cha con ông về Kim Lăng (Nam Kinh – Trung Quốc), rồi ông mất ở đó vào 1407 (?).
Nhà máy Xi măng Nghi Sơn
Là nhà máy xi măng lớn nhất Việt Nam hiện nay. Công trình liên doanh giữa Việt Nam và Nhật Bản với trị giá dự án lên đến 373 triệu USD. Nhà máy xi măng Nghi Sơn có công suất 2,15 triệu tấn với các thiết bị hàng đầu, công nghệ tiên tiến nhất về lĩnh vực xi măng trên thế giới.
Nhà máy được xây dựng tháng 7/1997 và hoàn thành ngày 13/11/2000. Sản phẩm xi măng Nghi Sơn với nguồn nguyên liệu từ các dãy núi đá vôi tại chỗ, chất lượng xi măng đạt tiêu chuẩn PC 40 được tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Di chỉ núi Đọ – Đông Sơn
Đi ngược lại dòng lịch sử vài ba vạn năm trước đây, Thanh Hóa là một điểm tụ dân xưa nhất ở nước ta, một điểm tụ dân bản địa không phải từ Nam hay từ Bắc di cư đến quần tụ lại mà hình thành. Trên cương vực của Thanh Hóa, các gia đoạn phát triển lịch sử của con người đều có dấu ấn hẳn hoi, từ thời đại đồ đá cũ (di chỉ núi Đọ thuộc nền văn hóa núi Đọ); đồ đá giữa (di chỉ làng Bon thuộc nền văn hóa Hòa Bình); đồ đá mới (di chỉ Da Bút, Đồng Khôi thuộc nền văn hóa Bắc Sơn); thời đại đồng thau (di chỉ Đông Sơn thuộc nền văn hóa Đông Sơn). Có mấy nền văn hóa có tính chất thế giới thì riêng Thanh Hóa đã có địa danh của mình đặt cho hai nền văn hóa Núi Đọ và văn hóa Đông Sơn.
Núi Đọ nằm sát nơi gặp nhau giữa hai dòng sông Chủ và sông Mã (cách thành phố Thanh Hóa về phía Tây Bắc khoảng 5km đường chim bay), thuộc địa phận các xã Thiệu Tân, Thiệu Vân, Thiệu Khánh, huyện Thiệu Hóa. Người ta đã có đủ những tài liệu để xác định được địa bàn phân bố chủ yếu của văn hóa Đông Sơn là tương đương với miền Bắc Việt Nam ngày nay và văn hóa Đông Sơn có những giai đoạn phát triển nối tiếp nhau và tồn tại trong khoảng thời gian cách ngày nay hơn 3.000 năm.
Những di tích văn hóa Đông Sơn vừa mới phát hiện (1973) ở làng Vạc thật thú vị. Khu mộ táng thuộc nền văn hóa Đông Sơn này nằm ven sườn núi phía Tây nhìn xuống một khe suối cổ. Diện tích khai quật đợt hai là 363m2, trên đó cứ trung bình 100m2 lại tìm thấy từ 45 đến 50 ngôi mộ cổ gồm các loại: mộ đất, mộ vò, mộ kè đá, lợp đá và mộ rải gốm, kè gốm. Nhiều mộ lợp đá, kè gốm có quy mô lớn, kết cấu đẹp chứa hàng chục hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý được coi là những ngôi mộ “giàu” mà chủ nhân có thể là những thủ lĩnh tôn giáo hay quân sự của cư dân thời đó. Đồ đồng thau chiếm tỉ lệ khá lớn trong số các hiện vật tùy táng, gồm gần 200 chiếc. Lần khai quật này còn tìm thấy 7 trống đồng là hiện vật tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn khiến cho làng Vạc trở thành địa điểm phát hiện được nhiều trống đồng Đông Sơn nhất ở Việt Nam.
Đồ đồng Văn hóa Đông Sơn
Năm 1924, một ngư dân tình cờ tìm thấy bên bờ sông Mã mấy thứ đồ cổ bằng đồng trồi lên đất bãi. Sau đó các nhà khảo cổ đến đây khai quật và sưu tầm thêm hàng trăm cổ vật các loại. Địa điểm này cách thành phố Thanh Hóa không xa, thuộc đất làng Đông Sơn, nên sau đó gọi là điểm văn hóa Đông Sơn, nổi tiếng từ những năm 30 và được giới nghiên cứu Việt Nam cũng như học giả nước ngoài hết sức quan tâm.
20 năm tìm kiếm của các nhà khảo cổ nước ngoài chỉ tập trung vào địa bàn tỉnh Thanh Hóa, một số tỉnh Bắc Bộ và Quảng Bình. Chính công sức của các chuyên gia Việt Nam trải rộng ra nhiều vùng lãnh thổ suốt nửa thế kỷ qua đã giúp chúng ta nắm vững hàng trăm di chỉ thuộc nền văn hóa Việt Nam cổ đại, mà tiến trình phát triển được quy thành 4 giai đoạn lớn:
Sơ kỳ đồ đồng (giai đoạn Phùng Nguyên, cách nay khoảng 4.000 năm)
Trung kỳ đồ đồng (giai đoạn Đồng Đậu, cách nay 3.500 đến 3.300 năm)
Hậu kỳ đồ đồng (giai đoạn Gò Mun, cách nay khoảng 3.000 năm)
Sơ kỳ đồ sắt (giai đoạn văn hóa Đông Sơn, cách nay khoảng 2.800 đến 2.000 năm)
Chuyển sang sơ kỳ đồ sắt, văn hóa Đông Sơn đã hoàn toàn làm chủ nguyên liệu và công nghệ chế tác đồng thau, sản sinh ra nhiều loại hình công cụ, vũ khí, đồ trang sức và tượng nhỏ bằng đồng tinh xảo nhất còn lại đến ngày nay.
Cùng với ý nghĩa thực dụng về chức năng (lưỡi cày để xới đất, rìu để chặt cây, đóng thuyền và dựng nhà, lưỡi hái và nhíp để gặt lúa…), các hiện vật đó còn đậm ý nghĩa mỹ cảm, biểu đạt khát vọng tạo ra những vẻ đẹp riêng theo từng địa phương. Xét về tạo hình tạo dáng, nghệ thuật trang trí, nhiều đồ đồng Đông Sơn đạt những đỉnh cao đáng kinh ngạc. Từ các kiểu đồ đựng như thạp thố, ang, âu, bình với khối dáng và kích thước phong phú, đến những vật mọn như lưỡi rìu, cán dao, muôi múc, hoa tai, vòng đeo cổ, đeo tay hoặc các tượng nhỏ, tất cả đều mang sắc thái, hình dáng độc đáo và luôn luôn có kèm hoa văn trang trí tinh tế. Mặt tròn phẳng của trống đồng, đường cong, mặt cong của tang trống, thân trống hoặc của thạp, thố, chóe… đều được tận dụng tài tình để dàn đặt những hình trang trí đa dạng, kết hợp hình ngừơi, hình thú vật chim muông với những dãy, những vành hoa văn kỷ hà lặp đi lặp lại theo tiết tấu nhịp nhàng.
Tượng nhỏ thường được đúc liền vào các chế phẩm có kích thước bề thế, chẳng hạn như hình cóc ngồi quanh mặt các trống đồng thời kỳ Đông Sơn muộn, đào được tại Đa Bút (Thanh Hóa) hay Phú Phương (Hà Tây). Đáng chú ý là trên mình những con cóc này cũng đầy hoa văn trang trí. Số tượng nhỏ đúc rời không nhiều: ngoài chất liệu đồng thau là chính, trong tổng số chừng hai trăm tượng nhỏ đã sưu tầm được, có tượng bằng đá, gốm, sừng, gỗ… Có những tượng đồng cỡ nhỏ tạc hình người cách điệu rất cao mà hết sức sinh động.
Nghiên cứu tổng hợp các mẫu hình trang trí đồ đồng trong nền văn hóa Đông Sơn, ta có một bức tranh toàn cảnh khá phong phú và xác thực về cuộc sống lao động, sản xuất, chiến đấu và hội hè của cộng đồng người Việt cách đây hơn 2.000 năm. Các cảnh giã gạo, chèo thuyền, đánh trống và nhảy múa luôn được nêu bật giữa những hình nhà sàn, kho thóc. Trên chiến thuyền có người chèo và lính chiến cầm rìu, cầm giáo hay bắn cung, thậm chí có cảnh hiến tế địch nhân bại trận (qua các thuyền chiến mô tả trên trống Ngọc Lũ)… Hình gia súc có trâu bò, chó, lợn, gà vịt. Thú hoang gồm nhiều loài chim bay, chim nước, chồn cáo, hươu nai, hổ báo, cá sấu, trong đó có cả hình giao phối của những cặp chim nước, cá sấu.
Trong nền văn hóa Đông Sơn, thạp đồng là một loại hình đặc sắc riêng. Đó là những vật đựng có kích thước khá lớn, hình trụ hơi phình, miệng có gờ nổi và có nắp đậy hoặc nhỏ hơn, miệng trơn và nhỏ, không có nắp. Nhiều thạp khi khai quật lên, thấy chứa những đồ trang sức, dụng cụ. Một số thạp đào được tại Thiệu Dương, Đông Sơn (Thanh Hóa), hay Hợp Minh (Yên Bái) có đựng cả hài cốt, chứng tỏ chức năng tang chế hoặc tùy táng của thạp, như một dạng quan tài.
Trong số thạp đồng cỡ lớn khai quật tại các tỉnh Vĩnh Phú, Yên Bái, Thanh Hóa…, nổi tiếng hơn cả là thạp Đào Thịnh (đào được tại xã Đào Thịnh, tỉnh Yên Bái). Ngoài các hình trang trí quen thuộc như chèo thuyền, chim bay trên thân và nắp thạp, thạp Đào Thịnh đặc biệt độc đáo với 4 cặp tượng nhỏ tạc hình nam nữ đang giao hoan, bố trí đối xứng trên nắp. Trong toàn bộ đồ đồng Đông Sơn, không ở đâu tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ được biểu đạt chân thực và đường hoàng như thế.
Tuy nhiên, niềm tự hào chính đáng của chúng ta trong nền văn hóa Đông Sơn chính là bộ sưu tập trống đồng hết sức phong phú. Trống đồng của tổ tiên ta không giống hẳn các trống đồng tìm được tại các quốc gia khác ở Đông Nam Á, mà lại khác nhiều về số lượng và tinh vi về mặt thẩm mỹ cũng như kỹ thuật chế tác.
Đây là loại hình nổi trội hết sức độc đáo của nghệ thuật đúc đồng thời cổ Đông Sơn. Như trên đã nêu, trống đồng đa dạng, hình thức khác biệt tùy địa bàn lãnh thổ, không chỉ về khối dáng, kích thước mà cả về phong cách trang trí, sắp xếp hoa văn. Giữa mặt trống, nơi gõ dùi, bao giờ cũng có hình ngôi sao nhiều cánh tỏa ra xung quanh. Số cánh sao là số chẵn, ít thì 8 cánh như trống Việt Khê, trống Quảng Xương, nhiều như trống Ngọc Lũ (14 cánh) và Hoàng Hạ (16 cánh).
Giữa hàng trăm kiểu trống tìm được tại hàng chục di chỉ khác nhau, các trống đào được tại Việt Khê (Hải Phòng), Ngọc Lũ (Nam Hà), Hoàng Hạ (Hà Tây), Hữu Chung (Hải Hưng) hay Quảng Xương (Thanh Hóa) đều mang sắc thái rất riêng. Chẳng hạn, mặt trống Ngọc Lũ dành hẳn một vành tròn cho chuỗi hình chim cánh ngắn đang bay và hình hươu có gạc. Trống Quảng Xương đặc sắc với hệ đường nét chi chít phức hợp cách điệu mạnh các hình vũ công, vũ nữ đội mũ lông chim cao ngất và mỗi nhân vật nhảy múa chèo thuyền hay dựng nhà (?) đều biểu cảm mạnh bằng con mắt tròn to gần kín khuôn mặt. Thân trống Hữu Chung nổi bật về những hình thuyền tạo dáng nhập một với các tay chèo uyển chuyển, cách điệu mạnh mẽ gần như trừu tượng…v.v.
Dù tả người, tả vật hay hoa văn kỷ hà, toàn bộ nét hình đều sắp xếp nhịp nhàng theo những hệ thống mạch lạc khúc chiết. Cách dàn dựng hài hoà tới trình độ ấy chứng tỏ cảm thức và con mắt tạo hình của cha ông ta hai ngàn năm trước đã đạt cấp cao.
Về kỹ thuật chế tác, trước đây ta quen gọi các môtíp trên đồ đồng Đông Sơn là “hình khắc” trên hiện vật. Thật ra, đó là những nét hình khắc chìm lên trên một chiếc trống mẫu, chắc là bằng đất còn tương đối dẻo và ẩm (nhiều chi tiết hoa văn cho thấy khá rõ đã được ấn lõm xuống từ một mẫu cứng dương bản, chẳng hạn các vòng tròn nhỏ xíu có điểm chấm lõm giữa tâm). Sau khi khô cứng, mẫu này mới được dùng để đắp bộ khuôn phá, đúc nên thành khí bằng đồng. Đó là một công nghệ tinh xảo, hiệu quả hơn rất nhiều so với kỹ thuật khắc chìm lên hiện vật đúc nhẫn. Và thật không đơn giản để có thể sắp đặt chính xác cả một hệ thống đường nét chi chít, với nhiều vòng tròn đồng tâm, nhiều khoảng cách chia đều và vô vàng tiểu tiết kích thước chỉ dăm ba milimét dàn kín trên một mặt trống có đường kính tới ngót 80 cm.
Xét về tính đồ hoạ, xử lý nét hình, thì với công nghệ chế tác tinh vi như thế và nội dung miêu tả phong phú sinh động như thế, các hình trang trí trong nghệ thuật Đông Sơn, đặc biệt các hệ đường nét trên các trống đồng, rất khúc chiết, nhiều khi rối rắm mà vẫn giữ được nhịp điệu hài hoà, đạt tới đỉnh cao ít gặp.
Đặc điểm quan trọng của nghệ thuật đồ đồng Đông Sơn, là vị trí chủ đạo của hình tượng con người hòa với thiên nhiên. Con người lao động, đánh cá, săn bắn. Con người đánh trống, thổi kèn. Con người cầm vũ khí bảo vệ làng bản quê hương và tưng bừng nhảy múa mừng chiến công hay cảm tạ thần linh… Đó là con người thuần hậu, hiền hòa, mang tính nhân bản sâu sắc. Bên cạnh và xung quanh con người đầy ý thức làm chủ ấy, là những cánh cò bay lả bay la, những chim Lạc, chim Hồng, những đàn cá lội tung tăng… Đó đây, hình tượng ghép đôi của muông thú, cảnh ái ân nam nữ còn nói lên niềm tin phồn thực của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước khát khao cuộc sống no ấm yên vui.
Trống đồng thời cổ không chỉ đào được ở Việt Nam. Các quốc gia xung quanh ta, từ miền Nam Trung Hoa đến các đảo quốc như Indonesia hay Malaysia đều phát hiện được trống đồng tương tự. Tuy vậy, bộ sưu tập trống đồng phong phú, đầy đủ, có hệ thống ở nước ta chứng minh rằng nền văn hóa Đông Sơn của người Việt cổ đã phát sinh và trưởng thành ngay tại bản địa, trái với giả thuyết trước kia của học giả nước ngoài cho là du nhập từ các nền văn hóa lân bang.
Mặt khác, nghệ thuật Đông Sơn không hề khép kín, mà cũng giao lưu hội nhập tới mức nào đó với các nền văn hóa cùng thời: Trống đồng Việt Nam hiện diện trong khu vực trống đồng Hoa Nam và nhiều nước Đông Nam Á lục địa hay hải đảo. Ngược lại, tượng tròn của người Điền xưa ở tỉnh Vân Nam(Trung Quốc) và một vài yếu tố tạo hình khác từ các đảo quốc lân bang cũng đã ảnh hưởng tới nghệ thuật Đông Sơn.
Thuần lý về phong cách tạo hình, nếu nghiên cứu kỹ hơn, ta còn gặp trên đồ đồng Đông Sơn cách xử lý dáng người rất độc đáo trùng hợp với nghệ thuật Ai Cập cổ đại: đó là lối tả đầu và chân nhìn nghiêng nhưng thân người lại nhìn thẳng, thấy cả hai vai. Hình chim bay thì cánh và đuôi nhìn từ trên xuống. Song đầu và mỏ nhìn ngang. Ngoài ra, không một hình người hay hình thú, hình chim nào được tả thẳng mặt. Tất cả đều nhìn nghiêng, tiếp nối diễu hành, nếu là trên một vành tròn thì đi ngược chiều kim đồng hồ (với ngoại lệ cực hiếm). Qua nhãn thức tạo hình như thế, không gian được khép kín như một quy tắc.
Và khác với tạo hình tả thực chẩn xác mà nhiều thế kỷ sau đó các nền mỹ thuật bác học còn noi theo và đề cao, phương thức tạo hình của nền mỹ thuật Đông Sơn hoàn toàn dựa trên các yếu tố biểu tượng, ước lệ và cách điệu cao: đó cũng chính là các yếu tố mà nghệ thuật đương đại ngày nay đang tận dụng, như một sự kế thừa “nhảy cóc” trong quan niệm thẩm mỹ có tính nhân loại.
Và nếu cần thêm một nét nhấn cuối cùng, thì phải nhận xét rằng, với kiến thức và công nghệ ngày nay, một vài thí nghiệm khá tốn kém thử “đúc lại trống đồng với những họa tiết mới” đã không mấy thành công. Như vậy, trong nghệ thuật và kỹ thuật đúc đồng tinh xảo, chúng ta chưa vượt nổi thách đố của tổ tiên xa xưa, những người Việt cổ đã tạo dựng nền văn hóa Đông Sơn rất đáng tự hào.
Vườn Quốc gia Bến En
Từ thành phố Thanh Hóa theo đường bộ 24km tới huyện lỵ Nông Cống rồi đi tiếp 17km nữa thì sẽ tới vườn Quốc gia Bến En thuộc địa phận huyện Như Xuân – Thanh Hóa. Nơi đây chẳng những là khu bảo tồn các nguồn gene động, thực vật quý hiếm phục vụ cho nghiên cứu khoa học mà còn là một khu tham quan du lịch, nghỉ mát lý tưởng.
Bến En có hồ nước rộng tới 4.000ha sâu hàng chục mét chia ra làm hai hồ. Hồ dưới khoảng 800ha và hồ trên rộng hơn 3.000ha. Trên mặt hồ nhô lên hai hòn đảo lớn nhỏ. Các đảo có rừng cây, hoa lá và một vài giống chim, thú sinh sống tự nhiên và do con người chăn thả, nuôi dưỡng. Trên một số đảo khách tham quan có thể dựng lều, căng bạt để nghỉ ngơi qua đêm và giải trí bằng cách câu cá, bắt cua đá ở trong các hốc. Nếu dùng thuyền hoặc xuồng máy du ngoạn trên khắp hồ thì phải mất hàng ngày trời. Động vật hồ Bến En có các loại cá, ba bam đặc biệt có giống cá mè sông Mực từ xưa nổi tiếng là lớn và ngon.
Cùng với hồ nước, Bến En còn có rừng thực vật phong phú, hiện tính được có đến 462 loài và 125 bộ. Bao gồm nhiều loại cây dùng làm đồ mỹ nghệ như song, mây… làm dầu thơm như hương bài, màng tang, sến trẩu, cây làm thuốc có tới 300 loại và nhiều giống cây cảnh đặc biệt là các giống phong lan. Rừng ở đây hiện còn bảo quản được nhiều loại gỗ quý hiếm như lát hoa, lim, chò chỉ, vùa hương. Có cây lim chu vi đến 2,06m, cao gần 50m và ước tính tuổi đời phải đến thế kỷ.
Khu vực rừng và hồ Bến En còn có tới 300 loài côn trùng và 216 giống vật, trong đó có một số động vật quý hiếm như sói đỏ, gấu ngựa, hổ báo, vượn bạc má, vượn đen, voi…
Muốn tham quan hết khu rừng, du khách cũng phải mất nhiều ngày. Rừng Bến En nằm trên địa phận các xã Tân Bình, Binh Lương nên ở đây còn có các dân tộc như: Thái, Mường, Thổ và Kinh cùng sinh sống và một số phong tục, sinh hoạt của người miền núi vẫn còn được lưu giữ như ở nhà sàn, uống rượu cần.
Ngoài khu vực hồ, đảo, bán đảo và rừng, Bến En còn có dãy núi đá vôi thuộc xã Hải Vân với một số cụm hang động khá đẹp và còn giữ được vẻ tự nhiên nguyên thủy chưa bị bàn tay con người phá hoại, đục đẽo như hang, động ở nơi khác. Trong đó đáng chú ý là hang Ngọc. Hang này có chiều dài khoảng 80m, cao 2,5m, rộng 8m trong đó có thạch nhũ óng ánh muôn hình muôn vẻ. Đặc biệt ở giữa hang có một khối thạch nhũ lớn, đường kính đến 1,5m sáng lấp lánh được mệnh danh là “hòn Ngọc”. Nước từ các đá trong hang chảy ra tạo thành dòng suối nhỏ trong mát, tiếng kêu róc rách suốt đêm ngày.
Đến tham quan Bến En du khách còn được thưởng thức món “canh đắng” – là một loại đặc sản của vùng miền núi xứ Thanh. Canh được nấu bằng lá của một loại cây có vị đắng. Người ta chọn lá không già quá, cũng không non quá, thái nhỏ rồi nấu với thịt bò, thịt gà hoặc tim, gan heo. Thịt phải tươi rồi gia thêm mắm tôm, muối, ớt… thành một thứ canh vừa đắng vừa béo, vừa cay lại có vị hơi chua, hơi ngọt. Người miền núi cho rằng ăn “canh đắng” bổ và mát. Khi đã dùng quen, khách sẽ thấy hạp khẩu vị, muốn cứ mỗi bữa ăn có bát “canh đắng” ăn với cơm, bánh mì, hoặc súp. Ngày nay ở miền xuôi, một số hàng ăn đã đưa món “canh đắng” vào thực đơn xem như là một loại thức ăn đặc sản và đang được nhiều người yêu thích.
Di tích quê hương các chúa Trịnh
Trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII suốt hơn 2000 năm, họ Trịnh đã đóng vai trò lãnh đạo bộ máy nhà nước phong kiến với một chính quyền “kép”, vừa có vua lại vừa có chúa, thường được gọi là thời kỳ Lê – Trịnh.
Vị chúa đầu tiên của dòng họ Trịnh là Trịnh Kiểm (1503-1570) vốn quê ở làng Sáo Sơn – Biện Thượng (hay Sóc Sơn – Bồng Thượng) nay thuộc xã Vĩnh Hùng – huyện Vĩnh Lộc – Thanh Hóa. Đây là vùng đất có cảnh quan rất đẹp, sông núi bao quanh và nằm giữa những địa điểm có di chỉ khảo cổ đồ đá nổi tiếng như Núi Đọ, núi Nổ, Đa Bút. Vì thế đã có câu ca rằng:
Dòng Mã Giang mênh mang sóng bạc
Dãy Hùng Sơn man mác điệp trùng
Núi sông hun đúc khí hùng
Sóc Sơn, Biện Thượng một vùng Thanh Hoa
Kể từ năm 1539, khi vua Lê Trang Tông phong cho Trịnh Kiểm tước Thái Sư Quận công và chọn Vạn Lại (nay thuộc xã Yên Trường – huyện Thọ Xuân) làm “Hành điện” (nơi vua ở) thì vùng Sóc Sơn – Biện Thượng trờ thành “Hành dinh” của chúa Trịnh, nơi bộ phận đầu não chỉ huy cuộc chiến đấu chống nhà Mạc khôi phục nhà Lê đóng bản doanh. Từ đó, làng Sóc Sơn – Biện Thượng vừa là quê hương, vừa là đại bản doanh của các chúa Trịnh trước khi thu phục được Thăng Long nên nơi đây có nhiều công trình kiến trúc như dinh thự, cung điện, đền đài. Tiếc rằng, trải qua sự huỷ hoại của thời gian và chiến tranh binh lửa nên đến nay quê hương các chúa Trinh chỉ còn lại một số ít di tích được dựng từ trước. Trong đó có phủ Trịnh, là hành dinh của chúa, và Nghè Vẹt là nơi thờ 12 vị chúa Trịnh (Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng, Trịnh Tráng, Trịnh Tạc, Trịnh Căn, Trịnh Cương, Trịnh Giang, Trịnh Doanh, Trịnh Sâm, Trịnh Cán, Trịnh Khải và Trịnh Bồng).
Động Bích Đào – Truyền thuyết Từ Thức
Từ thị trấn Nga Sơn, Thanh Hóa theo trục đường bộ đi về hướng Đông Bắc khoảng 6km đến địa phận xã Nga Thiện du khách sẽ gặp dãy núi Thần Đầu hay còn gọi là núi Thần Phù, núi Giáp Sơn, chạy dài “liên tiếp như bức tường kéo đến, quanh co, khuất khúc”. Tại dãy núi này có một thắng cảnh nổi tiếng đựơc các sách vở xưa nay ca ngợi nhiều, đó là động Bích Đào hay còn gọi là động Từ Thức vì gắn với một truyện cổ dân gian về cuộc tình duyên của một người trần tên Từ Thức với nàng tiên là Giáng Kiều.
Muốn đến được động, du khách phải đi qua một cánh đồng cát khá rộng, khoáng đãng, nhân dân địa phương thường trồng hoa màu như ngô, lạc. Trước cửa động có nhiều cây cối mọc râm mát, các dây leo chằng chịt làm thành những chiếc võng tự nhiên, du khách có thể ngồi nghỉ chân trước khi vào thăm động. Mấy gốc cây to còn lại chứng tỏ nơi đây trước kia có các đại thụ rất lâu đời nhưng nay đã bị đổ.
Đường vào thăm động là một lối đá mòn từ dưới chân núi đi lên dài khoảng trăm thước nhưng không cao, không khúc khuỷu lắm. Trước cửa động hiện còn hai bài thơ chữ Hán. Một khắc trên vách đá cao và một khắc trên phiến đá hình chữ nhật giống như tấm bia dựng dưới nền động. Bài thơ thứ hai này là của bảng nhãn Lê Quý Đôn sáng tác vào thế kỷ XVIII, được một viên tri huyện cho khắc vào năm Ất Tỵ, đời Thành Thái thứ 17. nội dung như sau:
Mờ mịt thần tiên ngất dặm dương
Bích Đào động cũ dấu thê lương
Ao gai phiêu bạt thân Từ Thức
Mây nước già dăm mặt Giáng Hương
Trống đá nghe khuya lay động sớm
Sương thu chăng đượm cát sa trường
Thiên Thai bao kẻ từng xây mộng
Nào biết Thiên Thai cũng hí trường
Di tích Bà Triệu
1.Đền Bà Triệu:
Từ Hà Nội vào theo Quốc lộ 1A hoặc tuyến đường sắt Bắc Nam đến cách ga Nghĩa Trang khoảng hơn 2km du khách nhìn sang phía trái sẽ thấy một ngôi đền nằm ở vị trí rất đẹp. Đó là đền thờ Bà Triệu. Đền được xây dựng từ bao giờ chưa biết rõ. Theo một số sách vở ghi chép thì năm 554, Lý Nam Đế – một vị anh hùng dân tộc Việt Nam đã nổi dậy chống quân đô hộ nhà Lương có đem quân đánh dẹp vùng Bình Lâm (huyện Hà Trung – Thanh Hóa bây giờ). Ông có qua làng Bồ Điền và ban cho Bà Triệu đạo sắc “Bật chính anh liệt hùng tài trịnh nhất phu nhân”. Xem vậy thì đền thờ Bà Triệu có lẽ đã có từ thời đó.
Hiện đền còn giữ được sổ ghi 30 đạo sắc phong với hàng trăm danh hiệu như: Bắc chính phu nhân, Anh Liệt phu nhân, Hồng âm mẫu đức đại vương…
Đền được dựng dưới chân một ngọn núi có tên là núi Bân (Bân Sơn). Xung quanh cây cối bao bọc, râm mát. Đền gồm có hai phần: hậu cung và bái đường. Hậu cung dựa lưng vào vách núi gồm 3 gian. Trước mặt là một sân nhỏ nối với hậu cung bởi hai dãy hành lang tả hữu. Bái đường ở bậc thấp hơn, gồm 5 gian làm bằng gỗ, lợp ngói. Từ ngoài nhìn vào ở chính giữa phía trên có 4 chữ Hán: “Triệu Nữ Vương tử” (Đền thờ Triệu Nữ Vương). Lễ hội đền Bà Triệu được tổ chức hàng năm vào ngày 24/2 âm lịch.
Cuộc khởi nghĩa của Triệu Trinh Nương chống nhà Đông Ngô xảy ra vào năm 248. Bà cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt lập căn cứ ở vùng Thanh Hóa ngày nay. Mỗi khi xung trận, bà thường mặc áo vàng và xưng là Nhụy Kiều tướng quân. Nghĩa quân đánh phá nhiều thành quách của quân Ngô làm chúng khiếp sợ. Thứ sử Giao Châu là Lục Dận đem quân đàn áp đánh trong 6 tháng. Nghĩa quân mai một dần. Bà Triệu đem tàn quân về đến Núi Gai (Thanh Hóa) và tự sát ở đấy. Nói đến Bà Triệu ta như thấy Bà vẫn còn đây với câu nói bất hủ: “Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô, cởi ách nô lệ chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”.
2. Lăng Bà Triệu
Cách đền khoảng 1.000m về hướng Tây là ngọn núi Tùng hình giống như một cây thông. Trên đỉnh núi là mộ Bà Triệu, có tường hoa bao quanh và một cái tháp chiếu thẳng xuống đền.
Dưới chân núi có mộ và bia của 3 anh em họ Lý người làng Bồ Điền là tùy tướng của Bà Triệu. Đứng ở mộ Bà Triệu, du khách có thể phóng tầm mắt ra khắp 4 hướng xung quanh và ngắm nhìn núi non, sông ngòi, làng mạc, đồng ruộng, đường bộ, đường sắt xen nhau dệt thành một bức thảm đẹp kỳ lạ.
Có thể bạn quan tâm:
Tour Thanh Hóa Đà Nẵng 3 ngày 2 đêm
Tour Thanh Hóa Đà Nẵng 4 ngày 3 đêm
Tour du lịch Đà Nẵng Hội An Bà Nà 3 ngày