Hút hồn du khách bởi những lễ hội ở Điện Biên

Điện Biên luôn luôn mặn nồng trong lòng người dân cả nước và một phần không thể thiếu để làm nên cái mặn nồng ấy là bản sắc văn hóa độc đáo, phong tục tập quán đặc trưng, hòa với sắc đẹp mê hôn của rừng hoa ban và những điệu xòe của những cô gái Tây Bắc.



Điện Biên luôn luôn mặn nồng trong lòng người dân cả nước và một phần không thể thiếu để làm nên cái mặn nồng ấy là bản sắc văn hóa độc đáo, phong tục tập quán đặc trưng, hòa với sắc đẹp mê hôn của rừng hoa ban và những điệu xòe của những cô gái Tây Bắc. Đây là nơi gặp gỡ và cư trú của 21 dân tộc anh em: Kinh, Thái, Mông, Tày, Nùng… (trong đó người Thái là đông nhất) nên nền văn hoá có một sự giao thoa, chắt lọc một cách tinh tế mà thể hiện rõ nhất ở các lễ hội.


1. Lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ 

Là ngày lễ quan trọng nhất của tỉnh, mang ý nghĩa quốc gia và quốc tế sâu sắc được tổ chức rấ long trọng vào ngày 7 tháng 5 hàng năm và đặt biệt ở các năm chẵn, năm tròn. 

Vào ngày này, hàng vạn du khách đổ về để được ngắm nhìn những địa danh một thời oanh liệt, cùng nhau chiêm nghiệm và nghiêng mình trước lịch sử. 


2. Lễ hội thành Bản Phủ

Là một lễ hội lớn, được tổ chức hàng năm nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của lãnh tụ Hoàng Công Chất cùng các tướng Ngải, tướng Khanh và nghĩa quân trong công cuộc giải phóng Mường Then – Điện Biên thoát khỏi sự chiếm đóng của giặc Phẻ. 

Lễ hội này được tổ chức vào ngày 24, 25 tháng hai âm lịch tại Bản Phủ với phần lễ gồm các nghi lễ rước kiệu và dâng hương. Phần hội có tổ chức các trò chơi dân gian như hái đào tiên,đánh đáo cá,  bắt lợn lấy thưởng, tung còn, thi bắn nỏ, chơi cờ phạ, đẩy gậy, kéo co nam, nữ. Ngoài ra, đây còn là dịp giao lưu văn nghệ, múa hát, biểu diễn những tiết mục đặc sắc của các dân tộc ở địa phương. 


3. Lễ hội mừng măng mọc (Kin Lẩu Nó)

Lễ hội này của các dân tộc miền núi phía Bắc, như: dân tộc Mảng, Xinh Mun, Kháng,  Phù Lá, La Hủ, Khơ Mú. 

Lễ hội được diễn ra vào đầu mùa mưa (khoảng tháng 5 hoặc tháng 6) khi những búp măng vừa nhú lên khỏi mặt đất mà theo quan niệm của người dân tộc thì đây là thời điểm bắt đầu mùa sản xuất trong năm. Họ mở hội với một mong muốn mùa màng tốt tươi, dân bản được ấm no đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đến thần trời, thần đất. 


4. Lễ hội mừng mưa rơi của dân tộc Khơ Mú

Hội mừng mưa rơi được tổ chức vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 âm lịch hằng năm, trước hoặc sau những cơn mưa đầu mùa.

Người Khơ Mú gọi lễ hội mừng mưa rơi là “om đin om đang” – tức là lễ hội mừng nước. Trong lễ hội người ta hát những bài hát mừng nương rẫy khi được đón cơn mưa đầu mùa, mà mở đầu bao giờ cũng là điệu mùa “om đin om đang”.

Lễ hội này được tổ chức trên nhà sàn. Phần lễ gồm nghi thức cúng thần linh cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi người trong bản có sức khỏe tốt và xua đuổi chim thú phá hoại mùa màng. Phần hội biểu diễn những điệu múa truyền thống của dân tộc.


5. Lễ cúng bản của người Cống

Hàng năm, khoảng vào mùa tháng 3 âm lịch, khắp các bản đều tổ chức lễ cúng bản trước vụ gieo hạt. 

Ngày lễ, ở các ngả đường vào bản đều được dựng cổng, cắm dấu hiệu kiêng kị để không ai được vào bản. Sau đó từng gia đình sẽ làm lễ cúng trên nương. Đây là lễ cầu cho mùa màng tốt tươi, mong muốn côn trùng và chim chóc không phá hoại mùa màng. 


6. Lễ căm bản, căm mường

Lễ căm bản, căm mường được bắt đầu vào ngày Thìn của tháng 5 theo lịch Lào. Người dân tổ chức lễ hội trong 5 ngày (nếu là mổ bò) hoặc 3 ngày rưỡi (nếu là mổ lợn), cũng có thể mổ trâu nhưng chỉ để ăn chung cả bản mà không được đem làm đồ cúng để dâng các vị thần và tổ tiên. Trong 5 ngày này không có ai được dệt vải, mang cây xanh vào trong bản, cũng không được gánh nước mà phải xách bằng tay. Lễ hội diễn ra với mục đích cầu cho dân bản được khỏe mạnh, đời sống thịnh vượng và mùa màng bội thu. 


7. Tết cơm mới của người La Hủ

Người La Hủ thường tổ chức Tết cơm mới vào khoảng tháng mười hoặc tháng 11 âm lịch. 

Điều đặc biệt của dịp tết cơm mới này là người La Hủ kiêng 3 ngày không được đi hái rau, lấy củi, phát cỏ, chặt cây trong rừng với mong ước cây cỏ tốt tươi quanh năm. Trong dịp lễ, người La Hủ dùng trống để giữ nhịp múa xoè. 


8. Hạn khuống giao duyên

Hạn khuống là một hình thức sinh hoạt truyền thống của người Thái. Lễ hội này thường được tổ chức sau vụ thu hoạch khoảng tháng 11 hàng năm. 

Lễ hội được tổ chức ngay trên khoảng đất rộng của bản, thanh niên nam nữ cũng nhau dựng sàn, sàn cao khoảng 1,5m, có hàng rào xung quanh bằng phên mắt cáo, chỉ có duy nhất một cửa ra vào. Bên sàn thanh niên nam nữ ca hát đối đáp đến khuya. Đêm hôm sau họ lại tiếp tục vui đùa trò chuyện. 

Lễ Hạn Khuống được bên gái tổ chức như một cuộc vui để tìm hiểu bạn đời. 



9. Hội Hoa Ban

Hàng năm, vào dịp tháng 2 âm lịch, khi thời tiết bắt đầu nắng ấm sau những cơn mưa xuân là hoa ban bắt đầu nở trắng cả núi rừng, người Thái Tây Bắc lại đi trẩy hội hoa ban.

Hội hoa ban được tổ chức không chỉ là ngày hội của tình yêu và hạnh phúc, mà đây cũng là dịp để người Thái cầu mùa, cầu phúc; bày tỏ đạo hiếu đối với ông bà, cha mẹ; đồng thời là dịp để trai gái qua lại với nhau, cùng tìm hiểu nhau qua câu hát, tiếng đàn.

Hãy một lần đến và trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của mảnh đất Điện Biên.

Hỏi tour: 0935 43 0234 | Zalo: 0911 28 6886