Đền Tống Trân – Hưng Yên

Câu chuyện về trạng nguyên Tống Trân được lưu truyền từ đời này sang đời khác thông qua truyện nôm “Tống Trân – Cúc Hoa”. Lễ hội ở làng được tổ chức hằng năm từ ngày mồng 10 đến ngày 17 tháng 4 âm lịch, đây là ngày hội chính của làng.

Tương truyền rằng, dưới thời nhà Lý ở tại xã An Đô, huyện Phù Dung, nơi đây có một người tên là Tống Thiệu công thuộc dòng dõi thi thư. Gia đình rất hiếu để ngoài xã hội khoan hoà. Tống Thiệu Công lấy vợ người ở xã Phù Oanh tên là Đào Thị Cuông, người này rất nhân đức hiền hậu và hay làm điều thiện. 



Việc làm thiện của hai vợ chồng họ được thấu tới trời xanh, nên Ngọc Hoàng đã cho thiên sứ đầu thai làm con hai người. Năm ấy, bà Đào Thị Cuông mang thai và sinh hạ được một cậu bé khôi ngô tuấn tú vào ngày rằm tháng 4 năm Bính Ngọ. Khi vừa lên 3 tuổi cậu không những tinh thông về âm luật mà còn rất giỏi, cha mẹ yêu thương và đặt tên cho con là Trân. Tống Trân khi lên 5 tuổi rất thông minh và sáng suốt thiên tư, học một biết mười, thiên văn địa lý đều am hiểu tinh tường. Khi nhỏ cùng mẹ lang thang hành khất đến Sơn  Tây vào một gia đình giàu có để xin ăn được Cúc Hoa con gái rượu của trưởng giả cảm mến và đem lòng yêu thương. Ba người trở về quê làm ăn và dùi mài kinh sử. Đến năm cậu lên 7 tuổi thì nhà vua mở cuộc thi để chị nhân tài, Tống Trân ứng thí và đã đỗ ba kỳ thi. Ngày mồng 1 tháng 2 năm Quý Sửu ông đỗ Trạng Nguyên và được vua khen: “Quốc sĩ vô song, tường tài quả nhị”. Đến ngày 10 tháng 4 thì vua ban cho cờ biển và đỉnh vàng để về vinh quy bái tổ. Trở về làng sau khi thăm hai bên ngoại nội, ở lại làng một tháng rồi cưới Cúc Hoa làm vợ. Tống Trân xây dựng một ngôi nhà ở tại làng Phù Oanh và để vợ lại đó trông coi còn mình trở về kinh thành. Sau ba tháng, ngài đi sứ sang Trung Quốc. Vua nước này đã dùng mọi cách để thử tài trí của Tống Trân, nhưng mọi câu đó đều được quan Trạng ứng đối rất tài tình và mưu trí. Vua Trung Quốc rất khen cho một vị nhân tài trong 18 nước chư hầu và phong cho ngài là trạng nguyên hai quốc. Khi vua Tàu muốn gả người con gái của mình cho Tống Trân nhưng lại bị từ chối vì thế bị giam vào trong một ngôi chùa trong vòng 100 ngày không có thức ăn và nước uống. Ở ngôi chùa Linh Long này ông đã bẻ tượng phật mà ăn và uống nước lã nên lại thêm một lần nữa vua xứ Tàu bội phục tài mưu trí của ngài. 

Sau 10 năm đi sứ thì Cúc Hoa đã bị người ta ép lấy chồng khác nên Tống Trân đã giả làm một người hành khất để dò la tình ý của Cúc Hoa, biết được nàng ấy vẫn còn thuỷ chung với mình nên đã đón nàng về nhà cùng đoàn tụ. Vua biết chuyện này nên đã phong cho Cúc Hoa là “Quận phu nhân”. 

Khi ông đã ngoài 60 tuổi thì mới dâng sớ cáo quan về quê dạy học. Vợ của ông không có con và lại mắc phải chứng bệnh đau bụng nên đã mất vào ngày 3 tháng 3. Năm năm sau, ông cũng bệnh hạch ở cổ mà mất vào ngày mồng 5 tháng 5 năm Tân Hợi. Câu chuyện về trạng nguyên Tống Trân được lưu truyền từ đời này sang đời khác thông qua truyện nôm “Tống Trân – Cúc Hoa”. Lễ hội ở làng được tổ chức hằng năm từ ngày mồng 10 đến ngày 17 tháng 4 âm lịch, đây là ngày hội chính của làng. 


Hỏi tour: 0935 43 0234 | Zalo: 0911 28 6886