Cuối tuần với món bánh bèo bì chợ Búng Bình Dương

Nhắc đến món bánh bèo bì chợ Búng, người Sài Gòn ngày trước thường nhớ về những ngày cuối tuần rong ruổi về với Lái Thiêu để thưởng thức món ăn thú vị này.

Nhắc đến món bánh bèo bì chợ Búng, người Sài Gòn ngày trước thường nhớ về những ngày cuối tuần rong ruổi về với Lái Thiêu để thưởng thức món ăn thú vị này. 



 Ở chợ Búng (Búng là một địa danh của xã An Thạnh, Thuận An, tỉnh Bình Dương) nổi tiếng với hai quán bánh bèo bì là Ngọc Hương và Mỹ Liên. Quán Mỹ Liên tuy xa hơn Ngọc Hương một nhưng lại được ưa chuộng hơn nhờ lịch sử lâu đời cùng với hương vị hấp dẫn. Cô chủ quán đã ngoài 60 cũng chính là cháu ngoại của người sáng lập ra món đặc sản này. Khởi thủy từ gánh hàng rong bên vệ đường, thực khách phải ngồi chồm hổm để ăn, dần dần bàn ghế được kê trong sân, rồi từ từ mới vào nhà trệt, và đến nay thì khách được thưởng thức trong một căn nhà khang trang với nhiều lầu.

Nói về món bánh bèo bì, phải kể đến 3 thành phần quan trọng nhất, đó là bánh bèo, bì và nước mắm. Thoạt nghe thì có vẻ đơn giản nhưng cách chế biến lại hết sức cầu kỳ.

Công đoạn đầu tiên là đổ bánh bèo. Người Bình Dương ngày trước thường đổ bánh trong chén (như thường thấy trong bánh bèo Huế). Quá trình này là cả một nghệ thuật tỉ mỉ, khi tay đổ dứt giọt bột cuối cùng thì lập tức phải vừa ngám lại miệng chén. Có như vậy miếng bánh bèo sau khi hấp xong mới đẹp. Bột gạo để làm bánh cũng phức tạp không kém: gạo được ngâm với nước qua đêm, rồi để cho ráo đến khi nào không còn ngửi thấy mùi chua, sau đó xay nhuyễn rồi hòa với nước theo tỉ lệ nhất định để thành bột nước. Ngày nay, với việc áp dụng nhiều công nghệ mới, việc đổ bánh cũng đơn giản đi gấp nhiều lần.

Ngoài miếng bánh bèo ngon thì bì và nước mắm cũng không kém phần quan trọng. Bì là hỗn hợp của thịt heo xắt mỏng, bì heo ram xắt từng sợi trộn với thính gạo, thêm gia vị là bột canh và tỏi. Theo chia sẻ của người chủ quán thì với thịt heo được chọn phải là loại thịt đùi ngon có bọc da chung quanh, ram đến lúc gần vàng. Còn nước dừa thì được đổ vào nồi để lửa riu riu cho ngấm vào thịt mới thơm. Tỏi được dùng chung phải thơm và nồng, thính cũng vậy (vì không thơm sẽ là thính cũ, khi trộn vào làm giảm hương vị của bì). Nước mắm ăn kèm là hỗn hợp gồm nước mắm ngon nhiều đạm được pha loãng và nước thắng kiệu. Cũng loại nước mắm này khi đem ăn với bún bì cũng rất ngon. Ngoài ra, quán còn có thêm món chả giò, ăn riêng hoặc ăn kèm với bún cũng rất ngon. Miếng chả giò thơm ngon,  giòn rụm, kẹp với một vài lá rau sống rồi nhanh chóng tan vào miệng với loại nước mắm đặc biệt trên 

Từng miếng bánh bèo với bột đậu xanh, quết thêm một chút mỡ hành rồi phủ bì lên... chỉ đơn giản chỉ là vậy mà lại cuốn hút bao nhiêu thế hệ thực khách. Hãy thử một lần đến với Lái Thiêu, rong ruổi trên những con đường xưa cũ để rồi thưởng thức trọn vẹn hương vị của cuộc sống qua từng miếng bánh bèo bí để tâm hồn tìm về với cảnh cũ người xưa.


Hỏi tour: 0935 43 0234 | Zalo: 0911 28 6886