Đến Gia Lai, thưởng thức phở " hai tô"

Món ăn đặc trưng mà không du khách nào khi đặt chân tới mảnh đất này có thể bỏ qua là phở khô Gia Lai. Bởi hương vị vô cùng hấp dẫn mà người dân ở đây đã đặt cho nó một cái tên khác là phở hai tô, gọi vui là phở "ăn hai tô mới đủ đô".

Cao nguyên Gia Lai lộng gió là mảnh đất có nhiều đặc sản độc đáo, từ củ măng, cà đắng, mật ong rừng cho tới các món ăn giản dị được người dân địa phương sáng tạo từ các nguyên liệu hết sức bình thường. Món ăn đặc trưng mà không du khách nào khi đặt chân tới mảnh đất này có thể bỏ qua là phở khô Gia Lai. Bởi hương vị vô cùng hấp dẫn mà người dân ở đây đã đặt cho nó một cái tên khác là phở hai tô, gọi vui là phở "ăn hai tô mới đủ đô". 



Không như các loại phở khác có phở và nước dùng cùng chung trong một tô, phở khô Gia Lai luôn phục vụ thực khách với hai tô, một đựng phở, một chứa nước lèo. Người ăn khi thưởng thức sẽ dùng phở riêng, sau đó húp một ngụm nhỏ nước lèo, ăn kèm với rau sống và một chút tương đen đặc biệt, chế biến theo phương thức gia truyền, đặc trưng của mỗi quán.

Phở khô có sợi tròn mảnh chứ không mềm và dẹt như các loại phở thông thường. Nhiều người cho rằng, phở khô hơi giống sợi hủ tiếu nhưng lại là loại phở đặc biệt và chỉ có thể tìm thấy ở Gia Lai. Phở được làm từ gạo nên khi chần, trộn lên vẫn dai, thơm chứ không bị dính như sợi hủ tiếu cũng chẳng vón cục hay nhũn nát như nhiều loại mì khô, phở khô khác. Một tô phở khô ngoài phở còn có thêm giá chần, thịt nạc bằm, rắc thêm chút hành phi thơm vàng, điểm xuyết thìa ớt đỏ, tùy khẩu vị mỗi người mà có thể cho thêm tương nâu, tương ớt, xì dầu, chanh, giấm cho vừa vặn.

Yếu tố "ngon" của phở hai tô còn phụ thuộc rất nhiều vào tô thứ hai - là tô nước lèo. Nước dùng phở khô Gia Lai được nấu khá cầu kì. Trong tô nước lèo có thể là một vài viên bò, ít miếng bò tái thái lát mỏng hay thịt gà, thêm màu xanh của hành lá rau thơm vô cùng hấp dẫn vô. 

Lại nói tới tương đen, đây có lẽ là thứ nguyên liệu bí mật tạo nên hương vị khó có thể quên cho món phở khô Gia Lai. Mặc dù chỉ là gia vị ăn kèm, nhưng nếu thiếu đi tương đen, thực khách sẽ cảm giác món ăn của mình như không còn nguyên vẹn hương vị. Tương đen được lên men từ đậu nành, ngoài vị mặn còn có vị ngậy béo, ngọt thanh pha cái vị hoang dã của vùng cao nguyên.

Gắp một đũa phở đã trộn đều với tương đậu cho vào miệng, từ từ cảm nhận vị béo của sợi phở, vị bùi bùi, mằn mặn của tương đậu, thêm một vài lá xà lách, húng quế để thấy cái vị the the tan nơi đầu lưỡi, húp thêm một muỗng nước súp nóng hổi, thơm phức và rồi tận hưởng vị ngọt của miếng thịt bò non vừa chín tới thì quả thật không còn gì bằng. Cũng bởi vậy mà món phở khô Gia Lai ngày nay được người cao nguyên tự hào mang đi khắp nơi, giới thiệu với bạn bè hương vị phố núi, chinh phục cả những chuyên gia ẩm thực khó tính nhất để trở thành một trong mười đặc sản của Việt Nam được tổ chức kỉ lục châu Á công nhận đạt giá trị ẩm thực châu Á. 


Hỏi tour: 0935 43 0234 | Zalo: 0911 28 6886