Đình An Hòa - dấu ấn 1 thời vàng son

Di tích đình An Hoà là di tích văn hóa – kiến trúc nghệ thuật đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 100/VH-QĐ, ngày 21 tháng 01 năm 1989. Tại đây còn rất nhiều bí ẩn cần được giải đáp



Di tích đình An Hoà là di tích văn hóa – kiến trúc nghệ thuật đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 100/VH-QĐ, ngày 21 tháng 01 năm 1989. Đến tại khu 1, ấp 1, xã An Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai chúng ta sẽ thấy  một ngôi đình  tọa lạc trong khuôn viên rộng 2.750 m2, được xây dựng theo hướng Đông – Nam, mặt hướng ra sông Đồng Nai thuận theo thuyết phong thủy. Thông tin về sự ra đời của ngôi đình còn bí ẩn duy chỉ còn tấm bảng gỗ được viết bằng mực tàu treo trên xà ngang nhà Võ ca có ghi dòng chữ “Dựng miếu năm 1792”. 

+ Cổng đình , bình phong

Cổng đình An Hòa hiện nay gồm hai cổng: Bên phải và bên trái của bức bình phong. Mỗi cổng có hai cánh cửa sắt được sơn  màu xanh nước biển. Hai trụ cổng có gắn kỳ lân mục đích tâm linh là kiểm sóat tâm hồn kẻ hành hương vào đình.

+ Miếu thờ

Khi bước vào cổng đình , có hai ngôi miếu. Miếu bên phải dùng để thờ Chúa Lòi, Chúa Sắt. Người dân thường gọi là miếu Cậu. Miếu bên trái đình An Hoà thờ Thiên Phi nương nương, nhân dân quen gọi là miếu Cô. Các miếu được xây dựng năm 1963. Quy mô kiến trúc hai miếu khá giống nhau.

+ Nhà Võ ca

Đúng với tên gọi đây là nơi diễn ra các nghi hát xướng trong dịp lễ Kỳ yên mà đình có tổ chức Xây chầu – Đại bội. Năm 1953, nhà võ ca được xây dựng lại theo kiểu nhà cấp 4, ba gian, 2 mái, khung sườn gỗ, nền gạch tàu, mái ngói âm dương. Tường xây bao quanh ba mặt có cửa ở hai bên hông lối ra vào của các diễn viên hát bội. Chung quanh sân khấu có khung sắt, phía trước có bậc tam cấp dùng để lên xuống mặt đối diện với Chánh điện đình. Năm 2000, nhà võ ca được mở rộng thêm hai mái ở bên hông tạo ra sự bố trí mặt bằng nhà kiểu chữ đinh như ngày nay.

Tiền sảnh nối tiếp được thông với nhà võ ca là nơi để sửa sọan đi vào làm lễ phía bên trong nhà Bái và Chánh điện. Tiền Sảnh xuất hiện rất nhiều trong kiến trúc dân dụng nhà cổ ở Nam Bộ. Kiến trúc ba gian hai chái, hai mái ngói âm dương, bờ nóc không có trang trí hoa văn. Nền lát gạch tàu, tường xây bằng gạch thẻ tô vữa ở hai bên hông. Chúng đều có 3 cửa ra vào mỗi cửa không xây theo kiểu hình chữ nhật mà là hình vòm để lấy ánh sáng vào bên trong. Đây được xem là  dấu tích của đợt trùng tu năm 1953.

Tiền sảnh kết cấu bốn hàng cột, gồm 12 cột gỗ căm xe tròn có đường kính 30cm, cao đến  7,4m. Phía dưới các chân cột đều được kê trên chân tảng bằng đá xanh vuông. Hệ thống xiên, được trích theo kiểu “vỏ đậu đùi ếch” dùng để liên kết các cột cái và cột quân với nhau; đồng thời chúng kết hợp với cột chống ở giữa kiểu bình nước và kèo hạ đỡ mái ngói lên cao , mở rộng về hai phía. Tất cả bộ khung sườn kiến trúc đều được gắn kết theo kỹ thuật ghép mộng, có chốt truyền thống. Tiền sảnh bài trí các bức hòanh phi và liễn đối gỗ trên các cột và xiên. Các hoành phi, liễn đối chạm chìm hoặc trạm nổi chữ hán, đường diềm chạm họa tiết hoa văn theo lối truyền thống  được sơn son thiếp vàng.

+ Nhà bái

Sau tiền sảnh là nhà Bái, ngăn cách với nhau bởi hệ thống cửa gỗ và tường xây có cửa ra vào . Không gian được khép kín cùng với nhà Cầu và Chánh điện bằng hệ thống tường bao xây gạch thẻ tô vữa, sơn màu vàng ở hai bên hông, mặt sau.

Nhà Bái theo kiểu thức nhà 3 gian, 2 chái, lợp bằng ngói vảy cá và ngói âm dương, nền lót gạch tàu. Mái có gắn cặp rồng chầu pháp lam gốm men xanh thể hiện mong muốn cầu mưa, được mùa. Hệ thống cửa gồm cửa chính và cửa phụ. Cửa chính có 3 bộ lớn ở giữa, cửa phụ gồm 2 bộ ở hai bên. Tất cả các cửa đều được làm theo kiến trúc thượng song hạ bản . Nhà Bái tạo dựng bởi hai hàng cột gỗ tròn đường kính 40cm, kiểu thượng hạ thách, hai hàng cột gỗ vuông (25cm x 25cm) ở hai bên. Hệ thống cột, kèo vuông ở hai đầu hồi nhà bái đỡ hai mái phụ hai bên tạo ra hành lang nhỏ và nằm ngược chiều với mái gian giữa. Toàn bộ khung sườn của gian giữa làm bằng gỗ căm xe, ba mặt được chạm khắc nổi các họa tiết hoa văn truyền thống: Cúc, sen, vân xoắn, vân sóng nước … Các đầu dư được chạm khắc hình đầu rồng cách điệu, hai trụ đỡ hai bộ và ở gian giữa được chạm hình cá chép. Ở các xiên trích chạm nổi hình ảnh lưỡng long chầu nhật, xung quanh là các hình vân xoắn. Các Cốn ở hai bên hành lang  chạm hình dơi, xung quanh là hoa lá triền chi… thể hiện mong ước một cuộc sống hạnh phúc, sung túc. 

+ Nhà cầu

Đây là nơi hành lễ, nằm ở vị trí nối giữa Chánh điện và nhà Bái. Kiểu kiến trúc theo dạng hai chái ba gian, lợp bằng ngói âm dương, nền lót bằng gạch tàu. Hai bên đầu dốc là hệ thống tường bao xây bằng gạch thẻ, được tô vữa và sơn vàng. Nhà cầu kết cấu kiến trúc có nét rất riêng biệt, bao gồm hai hàng, tám cột gỗ căm xe tròn có bán kính 20cm . Tất cả các cột này được liên kết với nhau bởi hệ thống trến (trính), xà dọc (xiên)  đều đỡ trực tiếp đòn dong và 4 đòn tay. Mỗi bộ khung đỡ mai gồm  hai cái cột và hai bên nối với nhau bởi một cây trính dựng hai cột trốn đỡ trực tiếp đòn tay, nối hai cột trốn là một cây trính nhỏ khoảng ½ cây trính lớn, trên cây trính nhỏ có một cây cột trốn nằm ở giữa để đỡ đòn dong mái.

Nghệ thuật trang trí chạm khắc trong nhà Cầu rất đặc sắc. Trên các cây Trính và cây xiên đều chạm nổi tinh xảo những đề tài truyền thống: hoa lá hóa rồng, vân xóan, vân sóng nước, các đường hồi văn. Các đầu trính chạm khắc hình đầu rồng được cách điệu.

+ Chánh điện

Đây là khu vực trung tâm có vai trò quan trọng trong tòan bộ không gian kiến trúc của đình. Đây là nơi ngự trị của thần và các bộ hạ của thần nên kết cấu kiến trúc, sự bài trí đồ thờ có những nét đặc biệt.

Chánh điện có kiểu thức là nhà ba gian hai chái truyền thống. Mái lợp ngói vảy cá, trên bờ nóc mái gắn cặp “lưỡng long triều pháp lam”  gốm men xanh biểu trưng cho âm dương hòa hợp, mưa thuận gió hòa, thể hiện ước muốn cầu mưa,  được mùa của cư dân vùng đất An Hòa. Các khâu đao, đầu mái trang trí tượng gốm “Cá chép hóa rồng” cũng bằng gốm men xanh biểu trưng cho  phát triển của tạo hóa, sung túc về tài lộc. Nền Chánh điện lót bằng gạch tàu cao hơn nhà Cầu 30cm để thể hiện sự tôn kính và ngưỡng vọng với Thành Hoàng Bổn Cảnh. Toàn bộ phần mái được đỡ bằng hệ thống 4 hàng 16 cột gỗ căm xe tròn có bán kính 20cm đặt trên chân tảng đá xanh. Hai bên đầu đốc Chánh điện trổ hai cửa nhỏ hai cánh được làm theo kiểu thượng song hạ bản.Từ bốn cột cái liên kết với nhau qua hệ thống xiên, trính làm theo kiểu “vỏ đậu đùi ếch”, mở rộng ra bốn phía nhờ các kèo đâm, kèo quyết, cột quân và hệ thống cột xây âm tường ba mặt. Các bộ phận liên kết bằng các mộng, chốt truyền thống có tính năng chịu lực khá cao , tạo sựcân đối. Vì kèo còn chạm khắc các họa tiết như  hình học, liên hoa, hồi văn đối xứng với nhau. Với hai cây xiên giữa Chánh điện được cách điệu hóa theo cách thức chạm nổi hình lưỡng long triều nhật..


Hỏi tour: 0935 43 0234 | Zalo: 0911 28 6886