Nếu có dịp tham gia tour du lịch miền Tây đi đến đâu du khách cũng sẽ thấy bạt ngàn những rừng dừa. Thật khó có loại cây trồng nào thuỷ chung với con người giống như cây dừa. Không chỉ giúp chúng ta trong chiến đấu mà dừa còn góp một phần không nhỏ trong việc xây dựng quê hương.
Nhưng dừa đã có tự bao giờ? Câu trả lời đến nay vẫn chưa rõ ràng về lời giải đáp. Như nhà thơ Lê Anh Xuân từng “hỏi nội tôi: Dừa có tự bao giờ?” để rồi “Nội nói: Lúc nội còn con gái/Đã thấy bóng dừa mát rượi trước sân”.
Từ xưa, dừa đã là vật liệu cho con người làm nhà tránh nắng, che mưa, là cái nôi cho bao lứa trẻ thơ, là cái giường ngủ cho tuổi già yên giấc. Trong những lúc khốn khó, “cây cầu dừa” cũng là cầu nối cho tình yêu đôi lứa.
Người Việt Nam đã sớm biết kết hợp cái chất béo ngậy của dừa, vị ngọt đậm đà của mía, mặn nồng của biển, hòa quyện cùng hương thơm đồng nội để tạo nên một hương vị quê hương. Cá bống kho dừa, tép rang dừa, bí rợ hầm dừa, mắm chưng với nước cốt dừa,… là những món ăn dân dã nhưng lại khó quên. Ếch, nhái xào dừa, lươn um dừa, thịt bò xào lá cách với nước cốt dừa ngon hết biết. Trong những ngày giỗ, ngày tết, cho dù nghèo khó cũng phải có nồi thịt heo kho tàu với vài ba cái trứng vịt, tôm lóng đem kho với nước dừa thì thêm thấm đượm tình đất, tình người. “Bánh phồng Sơn Đốc, bánh tráng Mỹ Lồng” từ xưa đã đi vào thơ ca và cho đến nay vẫn giữ vững thương hiệu, “Kẹo Mỏ Cày vừa béo lại ngon” tiếng thơm bay khắp xa gần, không thể thiếu sự góp mặt của dừa.
Con người đang tận dụng hết giá trị của cây dừa để làm lợi. Qua tay những người thợ lành nghề, có hơn 2.500 sản phẩm đã ra đời nhằm phục vụ con người. Đến với cơ sở thủ công mỹ nghệ Trường Ngân, gáo và thân dừa làm muỗng, đũa, nĩa, đĩa, ly, tách, bình, gạt tàn thuốc, hộp đựng thuốc, lược, gương, bình hoa, túi xách tay,…còn có cả các loại cúp bóng đá,… trông vô cùng là độc đáo. Rất khó để tưởng tượng nổi ở đồ chơi cho trẻ em, không chỉ có búp bê mà còn cả xe lôi có người kéo, xe ngựa, xe lôi máy, xe lôi đạp, rồi đến xe Jeep, Vespa,… mang một ý nghĩa thật nhân văn: “Ôn lại kiến thức cho đời”. Với chà dừa (có người gọi là râu), người ta làm ra lẵng hoa, lồng đèn. Mo nan thì làm thuyền hoa. Cọng lá dừa là vật liệu làm giỏ xách, lẵng hoa. Sơ dừa chế tác nên đủ các loại thảm hình thù cá, chim, thú. Trái dừa nào mà có hình dáng đẹp thì làm 12 con giáp, mỗi năm mỗi con, nhưng “ vào năm Thìn và Tỵ, với Rồng và Rắn thì phải mất gần 3 năm mới tạo được hình thù của nó” – ông chủ cơ sở Trường Ngân lúc còn sống đã chia sẻ. Còn trái dừa xấu thì đem làm tổ chim, giò lan, và đã được xuất khẩu sang được các nước khó tính như Hà Lan, Phá. Trái dừa điếc cũng được đến Hợp chủng quốc Hoa Kỳ với biểu tượng trái bóng bầu dục.
Dầu dừa thô từ lâu đã là mặt hàng truyền thống, nhưng vì sức cạnh tranh chưa mạnh nên đã nhường chỗ cho cơm dừa nạo sấy, mặt hàng sản xuất ra để xuất khẩu, đem về nguồn ngoại tệ cho đất nước. Thương hiệu mạnh nhất vẫn phải kể đến kẹo dừa. Sản phẩm mới là sữa dừa và bột sữa dừa cũng đã ra đời và góp mặt cùng bè bạn gần xa. Nước dừa ngày xưa không được sử dụng, nay đã hái ra tiền, thậm chí là ngoại tệ. Thêm một sản phẩm nữa là thạch dừa. Xơ dừa ngoài việc làm ra các loại thảm, mụn dừa tạo ra nhiều sản phẩm như nệm ghế, ván lót sàn.
Dừa gần như chưa toàn bộ dưỡng chất cần cho cơ thể. Trẻ em bị tiêu chảy được khuyến khích uống nước dừa pha với muối. Nước dừa làm da đẹp, mượt tóc và từng được dùng làm dịch truyền trong Thế chiến thứ II cũng như trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mỹ của Việt Nam,… Nhân dừa non rất tốt cho tiêu hóa, dùng để chữa các bệnh viêm loét dạ dày. Sọ dừa đem đốt thành than cầm bệnh tiêu chảy, chống phóng xạ. Cùi non ăn vào bổ tâm tì, cùi già ép lấy dầu chữa bệnh gãy xương, làm mỹ phẩm. Rễ dừa lợi tiểu, cầm máu,…
Đúng là từ trong nhà bếp, đến bàn ăn, phòng ngủ, phòng khách, từ đồ chơi trẻ em đến lược, gương của phụ nữ, cây gậy của người già, từ trong nhà đến những nơi sang trọng, từ trong nước ra đến nước ngoài, thậm chí còn “ngang nhiên” có mặt ở các thị trường khó tính, đâu đâu cũng có sản phẩm từ dừa.
Dừa làm thành nhạc cụ, dừa đi vào làng tranh Đông Hồ, vào thơ ca.
Nhìn người để ngẫm lại ta. Chỉ một sản phẩm là nước dừa đóng chai, năm 2009, nước Mỹ đã thu về khoảng 50 triệu USD. Vậy mới thấy cây dừa ở Việt Nam còn quá nhiều cơ hội, quá nhiều tiềm năng.
Một số tour du lịch tại miền Tây:
Tour tát mương bắt cá miền Tây
Tour Bến Tre Đà Nẵng 3 ngày 2 đêm
Tour miền Tây Đà Nẵng 4 ngày 3 đêm
Tour du lịch Bến Tre