+ Bánh Khẩu Thuy
Đây là thứ bánh không thể thiếu trong dịp lễ hội Lồng Tồng ở tỉnh Bắc Kạn. Bánh có hình tròn như quả trứng cút, có màu vàng óng vì nó được tẩm mật mía bên ngoài. Khi ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt, giòn tan và hương thơm ngay đầu lưỡi, đó là một hương vị riêng của người Tày.
Khi vào đầu tháng Chạp người dân Tộc Tày lại chuẩn bị nguyên liệu để làm bánh. Nguyên liệu gồm nhiều loại và chọn lựa rất kỳ công. Cách làm món này khá là cầu kỳ. Người dân tộc Tày lấy bèo tây nấu lên rồi lấy nước, lấy cây vông hoa màu đỏ đốt lên lấy tro. Sau đó dùng nước bèo tây đó và nước tro của cây vông để ngâm gạo nếp. Ngâm sao cho gạo nở to ra rồi đem lên đồ cùng với khoai sọ, ngoài ra còn cho thêm một chút rượu để bánh Khẩu Thuỵ có mùi thơm.
Sau khi chín thì cho tất cả hỗn hợp đó vào cối và giã, giã đến khi cối bánh lên toàn bột trắng, giơ chày lên cao và không thấy bột bánh dính ở đầu chày thì khi đó đã giã xong.
Để giã được cối bánh thì rất khó, giã phải nhanh và nhuyễn thì khi đó bánh mới đạt được tiêu chuẩn. Khi giã bánh xong thì đổ ra cái nia to và cán cho thật mỏng. Chờ để bánh nguội bớt thì đem cắt thành những miếng hình quả tráp hoặc là hình vuông. Đem phơi khô và cất, đến ngày hội hoặc ngày lễ tết thì mang ra dùng.
Rang Khẩu Thuỵ sao cho phồng hết cỡ, để khi ăn thì không bị lợn cợn những miếng bánh dẻo. Rang Khẩu Thuỵ phải cần có kinh nghiệm. Lúc đầu rang bánh lửa phải thật nhỏ để miếng bánh nóng lên, sau đó tăng dần lửa để bánh phồng đều.
Công đoạn cuối cùng của món bánh này là tẩm đường vào bánh. Đun sôi mật mía sau đó trút bánh đã rang vào đảo đều rồi đổ ra nia đã thoa sẵn một ít bột gạo đã rang. Để giữ được lâu người ta cho vào túi nilon buộc lại kín để cho bánh vẫn giữ được hương vị và giòn tan.
+ Măng vầu
Trong rừng ở Bắc Kạn có rất nhiều loại măng khác nhau như măng trúc, măng mai, măng tre,… nhưng nếu nói là đặc sản ở đây thì phải kể đến là măng vầu hay còn gọi với tên khác là măng đắng.
Theo kinh nghiệm của người chuyên đi hái măng vầu thì đầu mùa măng thường mới nhú và có vị ngọt xen lẫn với vị đăng đắng. Nhưng có tiếng sấm hoặc vào đầu tháng 2 âm lịch thì măng chuyển sang vị đắng.
Người dân ở Bắc Kạn có thể chế biến măng vầu thành nhiều loại món ăn khác nhau khá hấp dẫn. Với loại măng củ được đào từ trong lòng đất thì có thể cắt khúc hầm với xương hoặc là thái lát mỏng để cuốn thịt. Còn loại măng vầu đã lên tai xanh thì có vị đắng hơn nên phải được luộc kỹ và ngâm nước lạnh, phần thân thì thái lát mỏng xào tỏi, phần áo măng thì cuốn thịt hấp chín.
Nhưng hấp dẫn nhất vẫn là món măng vầu luộc chấm mắm tôm. Người không ăn được măng loại đắng thì luộc măng củ để ăn. Những người sành ăn măng thì lại thích hương vị thật đắng. Vì như vậy họ mới cảm nhận được hết những thú vị của món này.
+ Khâu nhục
Khâu Nhục hay có tên gọi khác là Nằm Khau, đây là món ăn đặc trưng của người dân tộc Tày và Nùng ở tỉnh Bắc Kạn. Khâu nhục là một món ăn cầu kỳ mà ai một lần được ăn thì cũng đều bị quyến rũ bởi hương thơm hấp dẫn của món này.
Cách chế biến món này là dùng ba chỉ loại ngon luộc sơ qua, dùng tăm tre chọc da thật kỹ sau đó đem ướp với gia vị. Sau khi gia vị thấm thì đem đi quay, vừa quay và vừa phết mật ong lên phần da.
Chọn loại khoai môn ở Bắc Kạn bên trong có những vân tím rồi thái và rang vàng. Lấy lá tàu soi là một loại rau muối mặn rồi đem rửa thật kỹ cho sạch. Sau đó băm nhỏ lá dùng gia vị gồm xì dầu, tàu choong, tỏi giã nhuyễn, hung lìu trộn đều với lá tàu soi đã băm. Hỗn hơp này được xếp ở dưới cùng, bên trên là khoai môn đã được chiên vàng cùng những miếng thịt thái cỡ 1,5cm. Trên cùng là lớp nhân được làm bằng thịt mỡ, nấm hương, trứng, đậu xanh và mộc nhĩ xào chín và hấp cách thuỷ 5 tiếng.
Khi ăn món này thì lật úp bát Khâu Nhục ra một bát khác để phần da màu vàng của miếng thịt được bày lên phía trên. Món khâu nhục được ăn với cơm, bánh gật gù hoặc là xôi đều rất ngon.
+ Rau sắng
Có lẽ rau sắng nổi tiếng nhất vẫn là rau sắng chùa Hương Hà Nội nhưng ở Bắc Kạn bạn lại dễ dàng tìm được mớ rau sắng rừng tươi xanh.
Vào đầu tháng Ba hay tháng Tư âm lịch, người vùng cao Bắc Kạn lại đi rừng hái rau sắng trên núi mang về. Những mớ rau xanh mướt được bỏ trong gùi và đậy lá chuối thật kỹ phía trên để bảo quản cho khỏi bị héo để cho phiên chợ bắt đầu từ buổi sáng sớm hôm sau.
Không giống những loại rau khác, rau sắng phải trồng ít nhất 3-5 năm thì mới thu hoạch được và sau 10 năm thì mới thu được rau sắng với số lượng lớn. Cây sắng cao hơn người với cành lá sum suê, vào cuối mùa đông lá rụng hết và đến tháng 2 thì những lá non mới ra, tháng 3 tháng 4 thì là mùa thu hoạch của rau sắng. Rau sắng được thu hoạch cả ngọn, lá và chùm hoa.
Rau sắng dùng để nấu canh với cá hoặc thịt. Mùi vị của món này khá là đậm đà nên chỉ cần vài cọng cũng đủ nấu một bát canh cho bốn người ăn. Những cây rau đực thì cho ra những chùm rồng rồng có thể nấu canh hoặc xào với thịt bò rất ngon.
Quả của rau sắng có hình bầu dục như quả nhót nhưng khi chín nó lại có màu vàng sẫm và ăn có vị ngọt lịm như mật ong. Hạt của quả sắng sau khi bóc vỏ và hầm nhừ với xương thì thật tuyệt.
Một vài tour du lịch để quý khách lựa chọn:
Du lịch miền Bắc 5 ngày 4 đêm
Du lịch Đà Nẵng 5 ngày 4 đêm
Du lịch miền Tây 2 ngày 1 đêm
Du lịch Đà Nẵng 4 ngày 3 đêm