Nằm cách sông Thạch Hãn 500m về phía Nam và cách Quốc lộ 1A 2Km về phía Đông, Thành cổ Quảng Trị được bảo tồn ngay trung tâm thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Đây là điểm đến tiêu biểu nhất cho vùng đất du lịch được mệnh danh là “một thời máu đổ” của tỉnh Quảng Trị, với những địa danh đi vào lịch sử: đảo Cồn Cỏ, ranh giới Bắc Nam, Nghĩa trang Trường Sơn với hàng nghìn nấm mộ vô danh, Khe Sanh - Đường 9 Nam Lào đã đi vào lịch sử oanh liệt một thời.
Cách đây hai thế kỉ, Thành cổ Quảng Trị là thành lũy quân sự của nhà Nguyễn_ triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Thành được xây dựng từ đời vua Gia Long khoảng năm 1802, lúc đầu đắp bằng đất có dạng hình vuông, đến năm Minh Mạng thứ 18 (1837) mới được xây bằng gạch. Thành chính là nơi để mỗi khi đi tuần vua ngự lại, nơi làm lễ thăng quan cho các đại quan và diễn ra các tiết lễ khác. Trải qua 140 năm ở thời các vua Nguyễn, Thành cổ Quảng Trị là nơi tập trung kinh tế, văn hoá, chính trị, của tỉnh Quảng Trị và là thành lũy quân sự để bảo vệ cố đô Huế ở phía Bắc. Nhưng đến thời Pháp thuộc, dinh lũy này được thực dân Pháp xây dựng thành nơi giam giữ các tù chính trị_nơi giam cầm hàng ngàn người chiến sĩ và người dân vô tội.
Vào những năm 1972, mảnh đất Quảng Trị được xem là chiến trường khốc liệt nhất, nơi diễn ra những cuộc chiến nảy lửa giữa quân đội ta và Mỹ. Địa thế của vùng vừa là bàn đạp để thực hiện âm mưu đánh phá miền Bắc khi có điều kiện, lại là lá chắn bảo vệ Hoa Kì theo Hiệp định Giơnevo, nên Quảng Trị chính là chiến trường sinh tử đối với Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam. Qua hai cuộc tấn công bất ngờ và quả cảm của quân ta, thị xã Quảng Trị được giải phóng vào chiều mùa hè ngày 01/5/1972. Ngay lúc này, 81 ngày đêm kiêu hùng của những chiến binh quả cảm của quân đội Việt Nam với cuộc chiến không cân sức về khí tài trong lòng Thành cổ đã diễn ra.
Nhằm giành thế chủ động tại Hội nghị Paris, địch dốc hết khả năng mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị với mục tiêu chiếm lại toà thành. Ở cuộc hành quân lấy tên “Lam Sơn 72” diễn ra ngày 28/6/1972, địch đã huy động một lực lượng gồm máy bay, xe bọc thép, xe tăng với số lượng rất lớn. Một cuộc hành quân đẫm máu, cực kỳ tàn bạo với đủ loại vũ khí hiện đại đã diễn ra ác liệt và đẫm máu. Có một so sánh rằng số bom đạn Mỹ ném xuống chiến trường Quảng Trị khoảng 328 ngàn tấn bom, bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) trong chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Giữa làn đạn khốc liệt đó, Thành cổ Quảng Trị với chu vi hơn 2.160m là “kho bom” của quân Mỹ. Song, bom đạn không làm sờn lòng những chiến sĩ trẻ Việt . Các anh, các chị đã dũng cảm chiến đấu giữ từng tấc đất của Thành cổ. Có lúc, các chiến sĩ đã phải đánh phản kích từ 5-7 lần, có khi 13 lần trong một ngày. Cuộc chiến đấu anh hùng này đã diễn ra như một huyền thoại và cách đánh cũng vượt ra những qui ước thông thường. Đó là anh Phan Văn Ba nát một bàn tay vẫn xin ở lại, là Hán Duy Long dùng trung liên kẹp nách truy kích diệt 58 tên địch, 3 lần bị thương vẫn giữ vững trận địa. Lựu đạn phải để xì khói trên tay mới ném, phải trèo lên tường cao ném xuống, bò sát miệng hầm của địch mà ném vào nhằm tiêu diệt tối đa số quân địch. Cuộc chiến đấu 81 ngày đem anh hùng và dũng cảm đã khép lại bằng thất bại của một đế quốc tư bản giàu có về vũ khí và lực lượng. Một lần nữa, chân lý chiến đấu sáng ngời mà quân đội Mỹ ngoan cố không chấp nhận đã được thể hiện : “ Kẻ mang chiến tranh là kẻ thất bại” .
Khó có thể kể hết bao nhiêu máu xương mà thế hệ đi trước đã đổ xuống, để hôm nay Thành cổ vẫn hiên ngang sừng sững_chiến thích của một mùa hè đổ lửa. Thành cổ hôm nay chỉ còn là một gian nhà truyền thống, với vài quả pháo nằm rải rác chung quanh một nấm mồ khổng lồ mang bao ý nghĩa biểu tượng. Một lần đến Thành cổ, cuối đầu dâng hương ở mảnh đất thiêng liêng ấy, chưa bao giờ giai điệu của hành khúc “Hồn tử sĩ” vang lên với bao điều sâu lắng đến thế…