1. Gà nướng sa lửa.
Lâu nay người Tây Nguyên vẫn luôn tự hào về món gà nướng sa lửa trứ danh. Thực ra nó chính là bản sao của món gà nướng Bản Đôn lừng danh. Tuy nhiên, do làm thủ công nên còn giữ được nguyên vẹn bản sắc với cách kẹp tre thay vỉ nướng và không ướp gia vị hay lén hấp trước cho nhanh chín. Đặc biệt hơn nữa là do tự tay mình nướng, nên được thưởng thức từ đầu đến cuối chả mất đi đâu được. Thực khách được nướng trực tiếp nên mê tít thò lò, dù cho khi nướng xong có thể mặt, mũi, tay, chân đen nhẻm bụi than và toát mồ hôi vì đứng mãi bên lò nướng.
2. Gỏi lá.
Nếu một lần đến phố núi nằm ở cực bắc Tây nguyên (Kontum), mời bạn cùng cư dân vùng sơn cước thưởng thức món gỏi lá đặc sản của Tây nguyên. Gỏi lá được chọn từ hơn 40 loại lá khác nhau, nhiều loại rất quen thuộc nhưng có những loại phải tìm kiếm từ rừng Tây nguyên mới có. Xếp một “rừng” lá, vị chủ nhà bắt đầu giới thiệu cho du khách từng loại lá khác nhau. Mỗi loại có một công dụng chữa bệnh khác nhau. Tôi ước tính có các lá như lá lộc vừng, sâm đất, hồng ngọc, mơ, cải cay, ổi, đinh lăng, sung, lá lốt, trâm, mã đề, diếp cá, chó đẻ răng cưa, quế, húng, thuyền đất… Lấy các loại lá này cuốn thành hình phễu để gắp vào đó các loại thức ăn. Các món ăn kèm với lá như thịt heo ba chỉ, tôm rang, da heo thái mỏng bóp trộn cùng bột gạo nếp rang. Các loại lá này cuốn thành hình phễu. Các món ăn đi kèm với lá như thịt heo ba chỉ, tôm rang. Da heo thái mỏng đem bóp và trộn cùng bột gạo nếp rang. Nước chấm được làm từ hèm rượu, được khử qua dầu ăn, cùng với trứng vịt thành một loại nước chấm sền sệt. Hạt tiêu để nguyên, muối hạt, ớt cay xanh, hành… là những gia vị không thể thiếu. Ta lấy đủ các loại lá, bỏ vào đó thịt, tôm, da heo, gia vị… rồi ăn cùng một lúc. Nhai càng kỹ càng dễ nhận ra nhiều hương vị khác nhau, vừa có vị chan chát, vừa ngòn ngọt, chua chua và vừa bùi, béo, ngậy của thịt, tôm. Sau mỗi lần ăn, húp thêm một ngụm rượu được ngâm lâu ngày từ rễ cây đinh lăng. Cuối cùng là một nồi cháo cá lóc nóng hổi để ăn lót bụng. Theo nhiều người dân phố núi thì việc ăn gỏi lá nhiều rất tốt, hầu hết lá cây ở đây đều là những cây thuốc nam có tác dụng chữa bệnh. Người mắc các chứng bệnh về tim mạch, đường tiêu hóa…khi ăn vào có thể chữa bệnh.
3. Thịt nai.
Thịt nai món đặc sản chủ yếu của vùng rừng núi Tây Nguyên chỉ còn phong phú ở Đắk Lắk mà Tây Bắc, Việt Bắc bây giờ khó kiếm được trong những hành trình qua miền biên giới Thượng du Bắc Bộ. Thịt nai tươi khác thịt bò ở chỗ ít gân, mỡ có màu trắng ngà, mềm hơn cả thịt bê non. Thịt bò 7 món đã gây sự thèm muốn, có nơi trở thành đặc sản. Nhưng với 7 món nai thì vượt xa một cách bất ngờ, cho nên càng không thể so sánh với thịt bò, cho dù là thịt bê cũng vậy. Nhà hàng đặc sản thịt nai tươi ở Buôn Ma Thuột thành phố trung tâm của tỉnh Đắc Lắc đã đưa thịt nai vào hầu hết thực đơn bình thường cũng như bữa tiệc thịnh soạn... bằng các món thịt nai nướng, thịt nai xào lăn, thịt nai nhúng giấm, thịt nai lúc lắc, sườn nai rán, cháo bao tử và sau cùng là thịt nai khô hợp lại đủ 7 món như thịt bò. Riêng những món như nai nướng, nai nhúng giấm, và nai khô lại là những món tiêu biểu nhất. Thịt nai nướng thái mỏng ướp nước mỡ và gia vị, cộng thêm vài lát gừng nướng riêng để ăn nóng cùng lúc rất là tuyệt. Thịt nai nướng không cần nước chấm, không cần muối tiêu mà vẫn ngon, miếng thịt nai nướng chín ngọt, mềm kết hợp với vị gừng nóng kích thích người ăn đến mê say mặc dù chưa dùng đến rượu bởi thịt nai khêu ngợi sự thèm muốn ăn hơn là uống. Còn ai đó đã có thói quen ăn nhậu, phải có chút nước thần đưa cay thì xin tuỳ ý và vô hại. Nai nhúng giấm lại cứ như một bản nhạc đã chuyển gam bởi lẽ đã thấm đậm đà một hương vị không giống thịt nai nướng béo ngậy kia. Nó cũng phải thái mỏng nhưng được ướp với sả, nước mắm ngon, ngũ vị hương và tỏi. Khi ăn phải dùng nồi lẩu đặt giữa bàn, nước dùng có pha giấm đun sôi sục, bên cạnh đó là một khay to đựng đủ các loại rau như sa lát, cà chua, hành tây thái khoanh, chuối xanh thái lát. Thịt nai để sống bên ngoài nhúng vào nồi lẩu rồi ăn kèm với đồ sống mỗi thứ một tý hoặc chỉ ăn với rau sa lát hay khế, chuối xanh tuỳ theo sở thích và khẩu vị của từng người, nhưng dù cách ăn nào thì cũng chỉ có một cảm giác là ngon và thích thú mà thôi. Thịt nai nhúng giấm mọi người có thể ăn được nhiều mà cũng không nặng bụng như thịt bò tuy cũng theo lối nhúng giấm. Món này ăn kèm với bún hoặc bánh đa nướng vừa là món nhậu, vừa là món ăn no. Nai khô có thể là đầu bảng trong các món nai. Thịt nai thái ngang thớ, miếng dài độ 5 cm được ướp kỹ bằng xì dầu (nước tương), sả, muối, đường, ớt, mè trắng và ngũ vị hương. Sau khi ướp trong thời gian 80 phút, lấy từng miếng và nướng trên than hoa, nướng xong dùng lưng dao dần cho miếng thịt mềm mại rồi ăn mà không cần chấm với bất cứ thứ gì. Thịt nai khô không béo ngậy như thịt nai nướng vì cách thức và nguyên liệu tẩm ướp khác nhau nên miếng nai khô ngọt lịm lại được phép nhâm nhi với ly rượu cao nai thì quá tuyệt vời mà ở thành phố miền xuôi thì sao có được! Nhất là trong thời kỳ nghiêm cấm săn bắt thú rừng quí hiếm ngày nay. Chẳng biết rồi đây Buôn Ma Thuật có còn thịt nai 7 món như bây giờ?
4. Lẩu lá rừng.
Đến với Tây Nguyên đại ngàn, ngoài thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, con người thân thiện chắc chắn bạn sẽ còn cảm nhận được Tây Nguyên qua những chiếc lá. Đó không chỉ là hương vị mà thiên nhiên dành tặng cho con người mà còn là hương vị của quê hương, xứ sở thông qua món đặc sản của đồng bào Tây Nguyên - Lẩu lá rừng. Dường như hương vị của núi rừng, của đại ngàn xanh đã thấm vào từng chiếc lá để bạn có thể cảm nhận một cách đầy đủ nhất về Tây Nguyên. Có khoảng hơn 10 loại lá được dùng để chế biến lẩu lá rừng, phần lớn chúng đều được người dân bản địa phát hiện ra khi đi rừng. Ban đầu, những lá này được sử dụng như một thứ rau rừng để phục vụ cho những bữa ăn trên nương, trên rẫy. Sau này, khi phong tục tập quán sản xuất thay đổi thì nó được dùng như một đặc sản đó là lẩu lá rừng. Cùng với những loại lá này còn có mắm thịt, tôm nõn và thịt luộc. Mỗi loại lá đều được lựa chọn rất nghiêm ngặt, điều quan trọng nhất là chúng không có độc tố, không phản ứng lẫn nhau. Lẩu lá rừng là kinh nghiệm từ ngàn đời của đồng bào dân tộc bản địa được đúc kết. Mỗi loại lá đều chứa đựng trong nó những chất dinh dưỡng đặc biệt, có tác dụng tốt đối với sức khoẻ. Cùng với các loại lá thì mắm thịt và nem thính được cuốn vào lá, vị cay nồng của lá tươi cộng với vị đậm của mắm thịt, vị khô của nem thính cho ta nhiều cảm giác lạ.
5. Rượu cây.
Rượu cây là đặc sản lạ của vùng đất Tây Nguyên mà nhiều người không được may mắn nếm trải. Cứ hết mùa rẫy, người Bahnar, Xê Đăng, Jrai… lại cầm theo nỏ, một ít đồ dùng thiết yếu lang thang trong rừng sâu. Người bản địa gọi là tháng Ninh Nơng. Chuyện săn bắn những con thú nhỏ chỉ là thú tiêu dao, thỏa sức rong chơi sau những ngày mùa vãn. Hành trình vào rừng sâu của họ còn có một thú vui không thể bỏ qua đó là uống rượu cây! Cây để lấy rượu, người Xê Đăng gọi là loă tea vea, người Bahnar gọi cây doak, thường mọc rải rác trong những cánh rừng sâu ở huyện Đăk Glei (Kon Tum) và xã Đăk Plin, huyện Kon Chro (Gia Lai). Cây có hình dáng tương tự cây dừa nhưng thân nhỏ, lá mảnh hơn. Nó như là một đặc ân của đại ngàn nên trở thành của hiếm, dù mọc ở rừng sâu nhưng phần nhiều đều có người đánh dấu làm chủ. Cây non trồng được khoảng 2 năm là có thể lấy rượu. Mỗi năm, cây ra những buồng hoa như buồng cau, rất thơm. Chừng hai tuần hoa rụng, từng chùm quả xanh non nhú lên. Thời điểm “khai rượu” đã đến. Người lấy rượu chỉ cần chặt đứt cuống của buồng quả, lấy dụng cụ đem theo hứng nước chảy ra, bỏ thêm vài thứ lá nữa là có rượu uống. Nếu cây chảy nhanh, khoảng vài tiếng là có cả chục lít rượu cây. Mỗi năm, cây chỉ cho từ 2 - 3 buồng, có từ tháng 1 đến tháng 7. Đến mùa Ning Nơng, nhiều nhóm người lại tập hợp vào rừng cùng hưởng thứ rượu cay, có vị thơm rất đặc trưng này. Trải lá cây xuống đất, đốt một đống lửa nhỏ nướng những con thỏ, chồn… mới săn được. Thịt rừng chấm muối giã ớt xanh, nhấp thêm chút rượu nồng giữa giá lạnh đại ngàn, hẳn là không dễ gì quên được! Rượu cây thường chỉ uống trong ngày. Đây là lý do khiến rượu thường được uống ngay gốc cây, hễ ai có rượu là mọi người cùng đến uống. Nó chưa hề có giá trị về thương phẩm. Nhưng có lẽ thứ rượu lạ lùng này cũng là một hình ảnh phản ánh giá trị độc đáo của văn hóa làng - rừng.
6. Măng Le.
Mùa mưa đi dọc các đường quốc lộ ở Tây Nguyên, ta thường bắt gặp không biết bao nhiêu chợ măng. Ngoài măng ra không có hàng hoá gì khác. Người Ba Na, Gia Rai, Xê Đăng mình trần da đen cháy ngồi như bất động trên những gùi măng le đợi người đến mua. Cây le thuộc họ tre nứa khá điển hình trên vùng đất ba gian. Cây le có sức phát tán mạnh mẽ, sức sống dẻo dai đến kỳ lạ. Nơi nào có đất trồng trọt là có cây le xuất hiện. Cây le dù bị đốt cháy, tàn lửa lại đâm chồi khác mọc khoẻ hơn, quả là một loài cây có sức sống thật mạnh mẽ. Măng le khi ăn tươi đã ngon, ăn khô lại càng bỏ xa các loại măng áo tơi, măng lưỡi lợn gốc nứa, vẩu, mai. Vào các buôn, nếu bạn được mời bữa cơm gạo nương ăn với măng le nấu với thịt nai khô, có kèm muối đâm với lá bép ớt hiểm mới là khách quí. Dù có ngon đến đâu thì măng le vẫn chỉ là măng le nhưng người dân vùng biển miền Trung Trung Bộ lại rất ưa thích nên thường được nghe nhắn gọi: “Ai về nhắn với cội nguồn Măng le gửi xuống cá chuồn gửi lên". Mùa khô trên Tây Nguyên không còn chợ măng. Chợ măng Gia Lu chỉ còn từng đống bẹ măng khô, “di sản" của những phiên chợ măng năm trước. Đến mùa mưa chợ măng bất ngờ mọc lên khắp nơi. Ai cũng nói “càng ngày càng có nhiều chợ măng và chợ măng nào cũng ngày càng lớn thêm".