Rượu Cần là một thức uống không thể không có trong đời sống sinh hoạt văn hoá hằng ngày của người dân vùng đất Đắk Nông. Một ít cơm lam và canh thụt sẽ cùng với rượu cần tạo nên một đặc sản đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên này. Và chúng không thể thiếu trong các dịp lễ hội hay những dịp đón khách quý.
Chắc hẳn là mỗi khi nhắc đến Đắk Nông khách du lịch sẽ nghĩ ngay đến những cảnh hoang sơ của những bản làng hay sự hùng vĩ của những thác nước, cảnh trùng trùng điệp điệp của núi rừng. Các thác nước ngày đêm vẫn miệt mài chảy giữa những cánh rừng xanh mướt hoà với nền văn hoá lâu đời của người dân tộc M’nông ở nơi đây.
Trong nét văn hoá của người M’nông độc đáo nhất vẫn là ẩm thực, nó chứa đựng những hương vị mới lạ làm cho du khách không thể không bị níu chân. Những món ăn đó phải kể đến là rượu cần, canh thụt và cơm lam.
Rượu cần được làm với những công đoạn khá là công phu và bằng những nguyên liệu có từ trong tự nhiên ở đây như là lá, rễ cây rồi sau đó ủ lên men rượu. Món rượu cần này vừa mang một giá trị tâm linh vừa mang một giá trị vật chất, nó tạo nên sự may mắn cho người dân. Đây là thức uống mà người M’nông xem là của thần linh ban cho.
Song hành với rượu cần thì phải kể đến canh thụt và cơm lam trong những mùa lễ hội. Cơm lam được người M’nông nướng rất khéo, với nguyên liệu truyền thống từ xưa đến nay vẫn là gạo nếp, vẫn có thể trộn thêm một số loại đậu vào để tăng thêm sự bắt mắt cho món ăn. Sau đó được gói trong lá chuối và nướng, nhưng độc đáo ở đây là khi nướng xong lá chuối vẫn còn xanh mà cơm lam trong đã chín và bay mùi thơm phức.
Món canh thụt là một món ăn đậm chất núi rừng. Món này được chế biến với nguyên liệu chính là đọt mây, bép, cà đắng và ớt. Ngoài ra, để tạo thêm sự đa dạng cho món này thì người ta cho thêm nguyên liệu đó là cá khô – một loại cá nhỏ dưới suối và đem phơi khô, hoặc là sườn heo. Gia vị chính để nêm món này là bột ngọt và muối mà không dùng thêm bất cứ một loại gia vị nào khác. Trước khi nấu món này phải chặt một ống lồ ô có lóng dài. Theo kinh nghiệm của những người dân bản xứ ở đây thì phải chọn loại lồ ô sao cho đúng, nếu già thì sẽ nhanh bị nứt, non thì sẽ nấu không ngon. Sau đó cho tất cả những nguyên liệu vào trong ống lồ ô và nấu. Đặc biệt khi nấu phải có một chiếc que có chiều dài bằng với ống lồ ô để thụt cho những thành phần bên trong ống được nhuyễn và cho hơi nước thoát ra ngoài. Có lẽ chính vì điều này mà người dân gọi món này là canh thụt.
Hoà cùng với điệu nhảy xoan bên bếp lửa và tiếng cồng chiêng vang xa là hương vị của rượu cần, cơm lam và canh thụt làm hấp dẫn và say mê lòng người. Du khách sẽ không thể nào quên được một ngày ghé thăm nơi đây trải nghiệm cái nắng, cái gió của miền đất còn có thể thưởng thức thêm những đặc sản tuyệt vời do chính người M’nông nấu.
Bên cạnh đó, Đắk Nông còn là một vùng đất của sự giao thoa giữa văn hoá ba miền cộng hưởng với văn hoá núi rừng Tây Nguyên tạo nên cho du khách một cảm giác vừa mới lạ, vừa thân quen. Ẩm thực Đắk Nông nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung không chỉ là những món ăn tinh thần của họ mà còn là một niềm tự hào của người dân, họ được giữ gìn và tiếp nối những nét văn hoá đã có sẵn của cha ông và phát triển chúng.