Ban đầu chợ gần như không có người bán, người mua mà chỉ có một số người phục vụ thức ăn cho những người về đây để họp chợ. Chợ là địa điểm để người ta tìm đến nhau, sau nhiều năm xa cách, hầu hết là những người có mối tình ngang trái, yêu thương nhau, nhưng không đến được với nhau. Vào ngày này, họ hẹn nhau về đây để kể về cuộc sống riêng của mỗi người, ôn lại tình cảm lúc xưa. Đặc biệt có nhiều đôi vợ chồng cùng nhau đến chợ vợ đi tìm bạn của vợ, chồng đi tìm bạn của chồng, không ghen tuông, mà tôn trọng nhau, tôn trọng bạn của người kia ; họ coi đó là sự thiêng liêng và bổn phận cũng như là trách nhiệm trước đời sống tinh thần của nửa kia.
Chợ tình bắt nguồn từ truyền thuyết về chàng trai tên Ba, cô gái tên Út. Chàng là người Nùng, nhà ở Khau Vai, tài năng , thổi sao hay nhưng lại nghèo. Chàng đem lòng yêu cô Út con gái người Giáy xinh đẹp và là con một tộc trưởng . Tình yêu của họ khiến gia đình cô Út không đồng ý vì chàng nghèo và khác dân tộc nên không cùng con ma, không cùng phong tục con trai người Nùng không thể lấy con gái người Giáy để chung sống.
Họ bỏ trốn đưa nhau lên hang núi Khau Vai sống. Dòng họ cô gái vác súng kíp, cung nỏ sang nhà trai chửi mắng vì chàng Ba phá lệ đưa cô gái ra khỏi vùng. Rồi nhà chàng trai cũng mang gậy, giáo, súng, dao ra chửi bới nhà cô Út. Đứng ở hang núi nhìn xuống cảnh máu chảy, đâm chém nhau giữa hai gia đình. Chứng kiến cảnh đó, họ đành chia tay nhau thề kiếp sau sẽ thành vợ chồng. Đó là ngày 27/3, người dân trong vùng lấy ngày này làm ngày tụ tập họp chợ.