Nằm ở cực Bắc của Việt Nam, lại có địa hình tương đối phức tạp, nhiều ngọn núi cao sừng sững, thung lũng sâu, nhiều sông suối hẹp, cùng với kiểu khí hậu cận ôn đới do ảnh hưởng của độ cao và gió mùa Đông bắc, Hà Giang mang trong mình một vẻ đẹp nguyên sơ, thần bí mà không có nơi nào trên đất nước Việt Nam có được:
1/ Một Hạ Long đi lạc - sông Lô
Sông Lô đẹp, đó là điều chẳng ai bàn cãi. Nó đã say lòng bao thi nhân ghé qua chốn đây.
Vào những buổi sáng cuối thu se lạnh dòng sông nhẹ nhàng êm ả và mờ biếc một màu xanh ngọc bích, dọc theo con đường quốc lộ ven sông có đoạn nước cạn đi, đáy sông với vô vàn sỏi đá trơ ra. Lại có chỗ đáy sâu trũng nước đọng lại thành những hồ nhỏ trong xanh nằm cạnh những khe đá nước chảy róc rách êm ả. Rồi có đoạn nước vẫn vơi đầy trong xanh hiền hòa uốn lượn qua các dãy núi đá vôi đầy hình thù. Thoạt nhìn giống như một phần vịnh Hạ Long trên cạn đi lạc đến chốn sơn cước này.
2/ Thiên nhiên thần tiên, thơ mộng với cổng trời và núi đôi
Lưu luyến rời xa sông Lô, hành trình tiếp theo là đến trung tâm xã Minh Tân, thuộc huyện Vị Xuyên. Đi qua trung tâm xã vượt cầu Minh Tâm là cửa ngõ bắt đầu vào vùng cao nguyên đá Đồng Văn cổ xưa. Ở chốn này, lữ khách sẽ phải vượt qua đèo Pắc Xum mờ ảo dài hơn 20 cây số để cùng treo lên cổng trời Quản Bạ.
Mặc dùa đèo Pắc Xum không dài song vô cùng ngoằn nghèo uốn lượn, đường dốc ngược và nhiều khúc cua đau tim. Thế nhưng dòng người vẫn không từ bỏ. Bởi lẽ khi lên đến trên cao nhìn xuống đường đèo tựa một sợi dây thừng quanh co giữa thảm thực vật xanh ngát và phiêu bồng cùng mây ngàn. Cảm giác như lạc giữa chốn thần tiên thơ mộng. Ở đai cận nhiệt nên nhiệt độ cũng bắt đầu xuống thấp khoảng 18 - 20 độ C làm cho những chiếc áo trở nên mỏng manh trong cái lạnh buốt người. Dưới làn mây kia là những đứa trẻ miền sơn thôn mộc mạc, hồn nhiên và tràn đầy hạnh phúc.
Cánh cổng trời mang tên Quản Bạ đã mở ra giữa hai sườn núi đá dựng đứng, cao ngất. Thị trấn Tam Sơn sầm uất nhất tỉnh Hà Giang nằm dưới chân đồi bên cạnh núi đôi Cô Tiên tròn trịa, đầy quyến rũ . Cảm giác như đôi gò bồng đảo của một Cô Tiên đang say giấc giữa đại ngàn.
3/ Nước mắt ngàn năm - sông Miện
Chinh phục được những cung đường tuyệt đẹp để đến huyện Quản Bạ, rồi từ đây tiếp tục chao mình qua hàng trăm khúc cua ngoằn nghoèo, mượt mà để đến với Đông Hà, nơi những ngươi Mông hiền lành sinh sống. Cung đường Quản Bạ - Yên Minh trở nên yên bình hơn song cũng không kém phần trùng điệp khi dọc theo hai bên đường là núi đá cao sừng sững và dòng Sông Miện yên bình êm ả cùng dòng nước trong xanh in dáng núi non hùng vĩ và lòng sông đầy tâm tư.
Có lẽ đây cũng là nét đặc trưng chung của các dòng sông nơi đầu Tổ quốc. Nhưng nét rất riêng của của dòng Sông Miện ở chỗ tạo hóa đã khéo sắp đặt ban tặng dòng sông rất nhiều sản vật nên cuộc sống các dân tộc ở đây cũng theo đó mà ấm no sung túc hơn. Bân cạnh nhiều vùng đất khác của Hà Giang còn trong cơn khát, ruộng đồng cạn nước thì nơi đây lại những cánh đồng ngô mơn mởn, dài tít tắp đến khuất tầm mắt, rồi len lỏi trải vào tận các khe đá
Có tài liệu cho rằng hàng trăm triệu năm về trước, cả vùng địa đầu tổ quốc Hà Giang còn chìm giữa sóng nước biển cả. Qua các giai đoạn kiến tạo của bề dày lịch sử địa chất, khiến biển bao la hóa núi cao sông dài và sông Miện ra đời từ đó.
4/ Yên Minh, một Đà Lạt trên vùng cực
Lúc đã vượt qua bao nhiêu ngọn núi cao, thả hồn mình băng qua bao thung lũng mơ mộng, rồi lại can đảm leo lên đỉnh dốc để tới một vùng đất cao nơi hai bên đường chào đón du khách là những hàng cây lá kim reo ca, và những rừng thông rì rào gió thổi như chào mừng lữ khách giữa trời. Tưởng chừng bắt gặp một Đà Lạt đang vi vu giữa miền cao nguyên đá thơ mộng. Chính bây giờ thi thoảng trên đường lữ khách sẽ bắt gặp những căn nhà trình tường của người dân tộc Pu Péo cửa khóa hờ, vách đất vàng màu nắng, mái lợp bằng ngói âm dương.Nơi đây chính là vùng đất Yên Minh, quang năm lạnh giá làm xao lòng bao khác lãng du chinh phục cao nguyên đá xa xôi.