Vào những năm 1880, lúc chiếm đóng khu vực này, Pháp đã có những kế hoạch quy hoạch và để lại những dấu ấn quan trọng về quy hoạch và kiến trúc, tiêu biểu là chợ Đồng Văn, được làm bằng đá trong những năm 1920 gần như còn nguyên vẹn đến hôm nay.
Phố nằm lọt thỏm giữa thung lũng với bốn bề bao bọc toàn núi đá, khu phố cổ vẻn vẹn 40 nóc nhà nằm cạnh nhau. Các ngôi nhà cổ này đều có tuổi đời trên dưới 100 năm, đặc biệt có những ngôi nhà đến gần 200 tuổi. Khu phố cổ được hình thành từ đầu thế kỷ 20, lúc đầu chỉ có một vài gia đình người Mông, người Tày và người Hoa sinh sống. Nhìn chung, khu phố cổ mang đậm dấu ấn kiến trúc của người Hoa với những ngôi nhà hai tầng được lợp ngói âm dương, những chiếc đèn lồng màu đỏ được treo cao như để xua đi cái lạnh buốt khắc nghiệt của vùng núi cao Tây Bắc.
Một ngày trên phố cổ mang lại bao cảm xúc khác biệt mà cũng vô cùng đặc biệt. Tinh mơ, bức tranh thiên nhiên ấy được pha trộn hài hoà bởi hai tông màu vàng rực của nắng và màu xám của những mái nhà cổ kính hoang sơ. Cảnh vật im lìm trong sương sớm như được đánh thức bởi ánh sáng, âm thanh náo nhiệt cùng những sắc màu rực rỡ của trang phục truyền thống đồng bào người Hoa, Mông, Ráy, Tày…
Lúc đất trời ngả nghiêng sang chiều, sự yên bình vốn có lại bao trùm khu phố cổ giữa lòng Cao nguyên đá. Đêm xuống ánh đèn dầu từ mỗi chiếc bàn chỉ đủ sáng một vùng nhỏ. Đôi khi không gian mờ ảo này lại vang lên tiếng kèn môi của người thanh niên nào đó gọi bạn tình. Đặc biệt, vào những đêm cuối tuần, quán cà phê phố cổ lại sinh động bởi những chàng trai, cô gái từ các bản đã được chủ quán mời về hát những bài dân ca, múa giao duyên truyền thống.
Nhắc đến phố cổ và cà phê phố cổ, người ta thường hay liên tưởng đến Hà Nội, hay Hội An. Đơn giản, bởi phố cổ Đồng Văn ở miền biên viễn này trẻ hơn nhiều so với lịch sử phố cổ Faifo hay Hà Thành xưa; còn cà phê thì lại phổ biến chủ yếu ở đồng bằng. Nhưng mà có ai ngờ “Cà phê Phố cổ” ở thị trấn Đồng Văn đã níu chân và níu lòng tất cả những ai trót một lần ghé đến.
Là một trong số ít những ngôi nhà cổ vẫn giữ được vẻ đẹp cổ xưa trong khu phố cổ Đồng Văn, “Cà phê Phố cổ” giống như một sao sáng đang mời gọi, càng phù hợp hơn với chức năng quán xá mà nó đang mang trong mình. Xưa kia đây vốn là nhà của một địa chủ họ Lương người Tày, rất có thế lực và giàu có ở vùng Đồng Văn. Ngôi nhà ngót trăm năm này cũng chứng kiến nhiều thăng trầm cùng khu phố, nhưng may mắn là vẫn còn gần như nguyên vẹn như lúc đầu.
Ngôi nhà khá lớn so với các ngôi nhà khác cùng thời ở Đồng Văn, cùng mặt tiền rộng, nhiều lớp nhà lại có cả sân trong. Nhìn chung công trình có nét giống với Dinh nhà Vương của “vua Mèo” Vương Chính Đức ở thung lũng Tà Phìn, chịu ảnh hưởng của kiến trúc Trung Quốc ( Nhà Thanh) có nhiều lớp nhà theo nguyên tắc cơ bản ngoài thấp trong cao, có sân trong, bố cục phải khép kín, hướng nội.
Đứng trên các ngọn núi nhìn xuống, bên hai dãy phố cổ chạy vào chân núi là ba dãy chợ xếp thành hình chữ U lợp ngói âm dương mờ ảo. Riêng khu vực chợ Đồng Văn, còn có nhiều nhà cổ kiểu ống để tận dụng mặt tiền buôn bán như phố cổ Hội An.
Từ lúc nào, trong tiềm thức người dân nơi đây, chợ Đồng Văn không chỉ để buôn bán, mà đây còn là nơi tổ chức lễ hội. Các thiếu nữ Mông đến đồng bào Pu Péo, Lô Lô,… lung linh trong các bộ trang phục truyền thống xuống chợ chơi, trò chuyện, trao đổi hàng hoá và kết bạn. Sự hoà quyện tài tình, độc đáo của kiến trúc Việt - Hoa được xây dựng trong khoảng từ các năm 1925 - 1928, khu chợ Đồng Văn như một nét vẽ nổi bật giữa cao nguyên đá lạnh giá này.
Kể từ năm 2006, huyện Đồng Văn đã tổ chức mỗi tháng 3 “Đêm phố cổ” vào các ngày 14, 15, 16 theo âm lịch. Các hộ dân trong khu phố cổ đồng loạt treo đèn lồng đỏ, các hoạt động như trưng bày thổ cẩm, trình diễn văn hóa của dân tộc mình, bày bán và thưởng thức bát thắng cố, uống rượu ngô, đặc biệt chỉ để trò chuyện là chính. Những hoạt động cứ diễn ra như thế, nhưng tự bao giờ, nó lại là nơi để du khách trút hết nỗi lòng của mình khi đến với chợ Đồng Văn, Cao nguyên đá, và đặc biệt là xứ sở núi non tận đầu Tổ quốc_ Hà Giang.