Thừa Thiên Huế nằm từ sông Ô Lâu đến đều Hải Vân, là một vùng đất có bề dày lịch sử, văn hoá, danh thắng nổi tiếng như Bạch Mã, Thiên Thai, Sông Hương, Núi Ngự,…Trải qua nhiều biến động của lịch sử, mảnh đất và con người sứ Huế vẫn luôn mạnh mẽ và kiên cường. Chính vì thế mà kho tầng di sản văn hoá vật thể và phi vậ thể của Huế rất phong phú. Từ nhiều thời đại đã được đúc kết thành những báu vật trong lòng di tích cần được bảo vệ và khai thác của Thừa Thiên Huế
Trong 400 năm lịch sử, Huế trở thành thủ phủ của chúa Nguyễn ở Đàng Trong rồi là kinh đô của triều đại Tây Sơn, cuối cùng là kinh thành của triều Nguyễn. Cố Đô Huế vẫn còn lưu giữ những di sản biểu thị cho tâm hồn và trí tuệ của người dân Việt Nam. Suốt nhiều thế kỉ qua bao tinh hoa của cả nước được chắt lọc và hội tụ về đây hun đúc nên một nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc trong bức tranh thiên nhiên tuyệt vời sông núi hữu tình thơ mộng. Chính vì vật mà nói đến Huế người ta nói đến cung điện, thành quách, danh lam cổ tự, lăng tẩm,..
Các triều đại vua chúa trước đã tạo dựng ở Huế một tài sản vô cùng quý giá và được UNESCO công nhận là di sản văn hoá Thế Giới. Nằm giữa lòng thành phố, Cố Đô Huế gồm ba toà thành lồng vào nhau theo trục Bắc – Nam. Hệ thống thành quách là môt mẫu kết hợp giữa hai lối kiến trúc Đông và Tây. Những công trình kiến trúc ở đây hoà quyện với thiên nhiên tạo nên nhiều tiết tấu khiến cho du khách quên đi rằng đã có bàn tay con người tác động lên nó. Được tạo bởi một vòng tường thành gần vuông và 4 cổng vào; độc đáo nhất và được lấy làm biểu tượng của Kinh thành chính là Ngọ Môn. Đây là khu vực hành chính tối cao của triều Nguyễn. Bên trong là Hoàng thành và trong cùng là Tử Cấm thành nơi sinh hoạt của vua và Hoàng thất nhà Nguyễn.
Ngoài Hoàng thành có hàng trăm công trinh kiến trúc lớn nhỏ bố trí cân đối đều đặn đan xen với cây cối như Phu Văn Lâu, Nghinh Lương Đình, Kỳ Đài,… Nằm về phía tây của kinh thành là các lăng tẩm của những vị vua nhà Nguyễn. Đôi khi lăng vua còn trở thành nơi dừng chân hưởng thú tiêu dao lúc còn sống rồi sau đó trở thành cõi vĩnh hằng khi bước về thế giới bên kia. Mỗi lăng vua đều phản ánh hết tính cách và cuộc đời của vị vua đó: lăng Gia Long mộc mạc nhưng hoành tráng giữa núi rừng khiến cho người xem cảm nhận được hùng khí của chiến tướng trải qua hàng trăm trận; lăng Tự Đức thơ mộng như chính con người ông yêu thơ, phong cảnh nơi đây tạo cho du khách hình ảnh một vị vua mang nặng nỗi niềm và tâm huyết không thực hiện được,…
Ngoài cung điện lăng tẩm thành quách thì Huế còn lưu giữ nhiều kiến trúc độc đáo gắn liền với thể chế hoàng quyền cách bài trí trong những khoảng không gian tiến đến đỉnh cao của sự hài hoà về bố cục. Đan xen giữa kiến trúc và cảnh vật chúng ta còn có đàn Nam Giao - nơi vua tế trời; đàn Xã Tắc - nơi thờ thần đất, thần lúa; Hổ Quyền - đấu trường duy nhất dành cho voi và hổ; Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và dựng bia khắc tên Tiến sĩ văn thời Nguyễn; Võ Miếu- nơi thờ các danh tướng cổ đại và dựng bia khắc tên tiến sĩ võ; điện Hòn Chén - nơi thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na… và qua nhiều những thắng tích liên quan đến triều Nguyễn hoà điệu trong các thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng như sông Hương, núi Ngự, Vọng Cảnh, Thiên Thai, Thiên An, Cửa Thuận… thực sự là những bức tranh non nước tuyệt mỹ.
Huế đã từng có những khu vườn danh tiếng như Ngự Viện, Trường Ninh, Thư Quang, Thiệu Phương,… Chính kiến trúc những khu vườn này cũng đã lan toả khắp đất nước và phối hợp với những nhân tố có sẵn tạo nên kiểu kiến trúc nhà vườn đặc trưng của xứ Huế. Đây là thành phố có những khu nhà vườn với những ngôi nhà cổ ẩn hiện giữa xóm làng. Mỗi ngôi nhà vườn là mang một Kinh thành Huế thu nhỏ, cũng có bình phong thay núi Ngự, đôi tảng đá thay cồn Dã Viên, một hồ nước thay dòng sông Hương,.. đủ các yếu tố tiền án hậu chẩm, tả long hữu hổ,…
Hơn 1 thế kỉ là kinh đô của một triều đại phong kiến trên nền tảng Nho giáo, bên cạnh đó từng là nơi thịnh hành nhất về Phật giáo. Ngày nay còn nhiều công trình chùa chiền còn lưu giữ. Gắn với một triều đại phong kiến tuân thủ những nguyên tắc của triết lí Khổng Mạnh nên lễ hội và âm nhạc vùng xứ Huế đã phát triển vô cùng phong phú và đa dạng. Mỗi nghi lễ là những bước nghi thứ mà phần hồn của nó chính là âm nhạc cung đình. Dân gian cũng có nhiều lễ hội đa dạng như lễ hội Cầu Ngư, lễ hội Hòn Chén, lễ hội vật Sình,… Cùng tồn tại và gắng kết với dòng nhạc nghi lễ có loại âm nhạc mang tính chất tiêu khiển của xứ Huế được thế giới biết đến với nét mộc mạc thuần khiết đó là những điệu múa, vở tuồng, những bài ca Huế. Nó đã trở thành món ăn tinh thần cho người dân không thể thiếu khi đến với đất Cố Đô.
Vừa qua Nhã nhạc cung đình Huế cũng được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản Văn hoá Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại.
Ngày nay, cứ hai năm một lần Huế lại tổ chức lễ hội Festival. Đây là điều gần như tất yếu mà Huế còn bảo lưu diện mạo kinh đô của một triều đại phong kiến.
Với những di sản phi vật thể và vật thể mang tầm thế giới như thế. Huế sẽ còn nở rộ những đoá hoa tươi đẹp và đáng để gìn giữ và là niềm tự hào của người Việt Nam.