Gỏi sầu đâu - sầu ở nơi đâu !

Gỏi sầu đâu là món ăn khá đặc biệt của người dân miền Tây Nam Bộ. Gỏi có đủ các vị chua, cay, đắng, ngọt, béo bùi…

Sầu đâu là loại cây thân gỗ, khá cao to, sống ở miền Tây Nam Bộ. Tuy cùng họ với cây xoan ở miền Bắc, cây đu ở Thanh Hóa và cây sầu đông ở Huế nhưng sầu đâu vẫn có điểm khác biệt. Cây sầu đâu có vỏ sần sùi chứ không trơn láng như vỏ cây sầu đông. Lá sầu đâu khá nhỏ, mỏng, mọc đối xứng qua cuống lá, rụng vào mùa Thu, đến cuối Đông, đầu Xuân thì bắt đầu đâm chồi, nảy lộc, ra hoa. Người ta hái về những chùm nụ sầu đâu và những đọt lá non để làm gỏi. Lượng sầu đâu ít hay nhiều là tuỳ thuộc vào “gu” của người ăn. Với người đã ghiền ăn thì sẽ trộn nhiều Sầu đâu, khỏi cần qua sơ chế. Những người mới ăn lần đầu thì nên nhúng sơ vào nước cơm nóng cho bớt vị đắng. Tuy gọi là đặc sản nhưng gỏi sầu đâu lại khá bình dân, dễ chế biến, phù hợp với mọi túi tiền. Chỉ cần ngồi nhậu trong vườn, với tay vặt một nắm lá non chấm với nước mắm cũng “đưa cay” được một chút rượu đế. Nhà nghèo mà lại xa chợ, tới bữa chỉ cần chạy ra vườn vặt nắm lá vào thái nhỏ trộn với vài con khô nướng, thêm trái dưa leo, cà chua, quả xoài xanh với nước mắm, thêm chút đường, trái ớt, miếng me,… là đã có được vị đắng ngọt, chua, cay để ăn cơm.



Tuy gọi là gỏi nhưng sầu đâu lại là nguyên liệu ít tiền nhất trong các nguyên liệu để chế biến nên gỏi. Một đĩa gỏi dùng cho 4 người ăn vào đầu vụ thì chỉ cần độ dăm ngàn đồng, khoảng 4-5 lọn,  chừng 100 gam nụ hoa cùng với đọt non xé nhỏ; một con cá lóc  nướng trui bằng rơm mới rồi đem bỏ xương, xé nhỏ thịt cho vừa ăn; khoảng 200 gam thịt heo ba chỉ được luộc vừa chín tới đem xắt sợi tôm thẻ luộc được lột vỏ, bỏ đầu hay tôm càng xanh nướng đem xé nhỏ càng ngon; khô cá sặc nướng trên than đước rồi cũng xé nhỏ như xé tôm , xé cá… Tất cả đem trộn đều với vài ba trái dưa leo, cà chua cắt mỏng, me chín, xoài xanh băm sợi. Nêm thêm nước mắm nhĩ, bột ngọt, đường vừa ăn, sau đó trộn cho thật đều, để chừng 5 phút đem trộn lại, bày lên đĩa. Rải một ít rau thơm, dăm lát ớt lên trên đĩa cho thêm phần màu sắc. Việc còn lại là rót rượu mời khách. Rượu nếp hơi cao độ là đúng điệu, không có mới phải dùng đến bia hay rượu ngoại. 

Nét đặc sắc của món gỏi sầu đâu là vị đắng hậu ngọt cứ dai dẳng trong miệng tới tận ngày hôm sau để rồi lại thèm dù mới được ăn hôm trước. Gỏi hội tụ đủ các vị đắng, ngọt, cay, chua, béo và bùi nên khi ăn rất ngon miệng. Trước và trong khi ăn, khứu giác của bạn sẽ bị kích thích bởi mùi thơm nức của cá lóc nướng trui, khô cá sặc nướng. Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm của người xưa, sầu đâu còn là vị thuốc Nam ăn vào rất mát, có tác dụng giải độc gan tốt.



Nếu có dịp về miền Tây, bạn đừng nên bỏ lỡ món gỏi hấp dẫn, mới lạ, chân quê nhưng cũng đầy tinh tế này.


Hỏi tour: 0935 43 0234 | Zalo: 0911 28 6886