Vàng bông điên điển mùa nước nổi

Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm cứ độ tháng 7, tháng 8 âm lịch, bắt đầu vào mùa nước nổi, đây cũng là lúc điên điển trổ đầy những đóa hoa vàng rực như màu nắng phương Nam.

Dù chỉ là loài hoa dại mọc lên theo những con nước nổi nhưng điên điển lại là “bông cứu đói” của những bà con nghèo. Trong ngày mưa gió bão bùng, món bông điên điển luộc đã giúp cho bữa ăn của miền sông nước trở nên ấm cũng hơn



Nhưng để trở thành món ăn ngon, cách giản dị nhất là người ta dùng bông điên điển để làm dưa. Chỉ cần đem bông điên điển rửa sạch cùng với giá sống, rồi để cho ráo nước. Chuẩn bị sẵn một cái vịm hoặc khạp nhỏ, bên trong có chứa sẵn nước vo gạo đã được lắng trong pha cùng với một ít muối, cho hỗn hợp bông điên điển và giá vào trong khạp, đậy lại bằng lá chuối hoặc lá môn, đem ủ kín khoảng chừng ba ngày sau là bạn đã có được một dĩa dưa điên điển vừa mang hương vị chua chua, đăng đắng mà lại giòn giòn. Món dưa này đem chấm cùng với nước tương giằm ớt ăn đã thấy ngon mà chấm với cá hoặc thịt kho thì lại càng ngon hơn bội phần. Nếu cầu kỳ hơn một chút, có thể cho thêm ngó sen, bông súng, xác dừa nạo vào trộn cùng với dưa, nêm nếm thêm ớt tỏi, đường, muối,…cho vừa miệng sẽ tạo nên một món gỏi khá dân dã, chân quê nhưng lại vô cùng thơm ngon, hấp dẫn.

Ngoài cách dùng làm thành dưa muối như trên, bông điên điển lại còn là loại rau ăn kèm không thể thiếu đến trong một số món ăn đặc sản của người dân Nam Bộ. Với những người dân nơi đây, thì các món bún mắm, canh chua, lẩu, kho… sẽ không thực sự ngon đúng điệu nếu thiếu đi những bông điên điển vàng ươm.

Đặc biệt, với món cá linh kho mía, một đặc sản nổi tiếng vùng sông nước, thì bông điên điển là loại rau ăn kèm không thể thiếu. Đây là món ăn khá khoái khẩu cho những người bạn "tâm đầu" lai rai cùng với ly rượu đế, tán gẫu về mùa màng, chuyện làm ăn, chuyện thời sự rôm rả vào những buổi chiều tà khi hoàng hôn dần buông xuống. Tình làng, nghĩa xóm đậm đà biết bao nhiêu.

Cứ mỗi độ đến mùa nước nổi, người dân miền sông nước lại cùng nhau đi hái bông điên điển, loài hoa không chỉ được đi vào thơ ca mà còn góp phần làm phong phú thêm văn hoá ẩm thực của người dân miền Tây. 



Hỏi tour: 0935 43 0234 | Zalo: 0911 28 6886